Ồ ạt đưa trẻ đi xét nghiệm tìm virus Adeno, bác sĩ chỉ cách làm đúng

Con trai 4 tuổi sốt cao hơn 39 độ C, đau bụng, mắt đỏ và ra nhiều nhử, chị Lê (Hà Nội) nghi con mắc virus Adeno. Không cần đi khám, chị nhanh chóng liên hệ lấy mẫu xét nghiệm PCR tìm virus Adeno cho con với giá hơn 1.000.000 đồng/lần.

Sau vài ngày đi học mẫu giáo, con trai 4 tuổi của chị Quỳnh Lê (Cầu Giấy, Hà Nội) bỗng sốt cao hơn 39 độ C, đau bụng, mắt đỏ và ra nhiều nhử. Chị Lê vội vàng tra "bác sĩ google", nghi bé mắc virus Adeno.

 Không cần đi khám, chị nhanh chóng liên hệ lấy mẫu xét nghiệm cho con với giá hơn 1.000.000 đồng/lần. Tuy nhiên, cơ sở dịch vụ lấy mẫu quá tải “đơn hàng”, chị buộc phải chờ đợi.  

Lớp con trai 9 tuổi của chị Hoàng Oanh (Long Biên, Hà Nội) có tới gần ¼ số trẻ phải nghỉ học vì triệu chứng nhiễm virus Adeno. Chị Oanh cũng lập tức cho con nghỉ, cuống cuồng tìm nơi xét nghiệm cho hai con dù chưa có biểu hiện bệnh.

Khảo sát tại một số cơ sở y tế cung cấp dịch vụ khám xét nghiệm virus Adeno ở Hà Nội hiện có nhiều mức giá khác nhau.

Cụ thể như test nhanh chẩn đoán căn nguyên virus Adeno gây bệnh đường tiêu hóa (lấy mẫu phân) có giá khoảng 230.000 đồng, thời gian trả kết quả sau 1-2 tiếng đồng hồ; xét nghiệm Elisa (mẫu máu) có giá 390.000 đồng.

Trẻ mắc virus Adeno phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BV

Riêng giá xét nghiệm Realtime RT-PCR có giá giao động từ 850.000-1.2 triệu đồng/mẫu. Bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm: đờm, dịch tỵ hầu, dịch phế quản hoặc que tăm bông ngoáy dịch hậu môn. Chưa kể, chi phí còn đội lên nếu sử dụng dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà.

Bệnh nhân Adeno virus có thể tự khỏi mà không cần điều trị 

Tại các bệnh viện, số trẻ đến khám vì các triệu chứng nhiễm virus tăng cao, tuy nhiên, không phải đối tượng nào cũng được chỉ định làm xét nghiệm tìm virus. Dù vậy, không ít phụ huynh tha thiết có nguyện vọng được làm xét nghiệm.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo, phụ huynh không nên quá lo lắng, đổ xô đưa con đi xét nghiệm virus Adeno. 

Bác sĩ nhi khoa Đào Trường Giang (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội), phân tích virus Adeno cũng giống các loại virus khác, hiện không có thuốc đặc trị mà triệu chứng tới đâu, điều trị tới đó. Thậm chí, nhiều bệnh nhân nhiễm virus thể nhẹ có thể tự khỏi mà không cần điều trị.  

“Các bác sĩ chỉ chỉ định xét nghiệm virus Adeno trong một số trường hợp nhất định chứ không phải tất cả. Ví dụ như những ca bệnh nặng, kết quả xét nghiệm có thể là cơ sở để sử dụng thuốc kháng virus”, bác sĩ Giang nói. 

Một bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, về mặt lý thuyết, những trường hợp nghi ngờ như có tiền sử tiếp xúc người xác định nhiễm virus (ở cùng nhà, cùng lớp...); có biểu hiện viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc, rối loạn tiêu hoá... thuộc diện có thể có chỉ định làm xét nghiệm.

Đồng tình quan điểm việc điều trị virus Adeno chưa có thuốc đặc trị, theo vị bác sĩ này, việc chỉ định xét nghiệm cần cân nhắc, không phải trường hợp nào cũng buộc phải làm. Những trường hợp có diễn biến lâm sàng rầm rộ như sốt cao, ho, khó thở, tổn thương phổi, tổn thương nhiều... cần thực hiện xét nghiệm để tiên lượng và có chỉ định điều trị phù hợp.

Các bác sĩ cũng cho rằng, việc phụ huynh tự đưa con đi xét nghiệm, bên cạnh việc gây tốn kém, lãng phí còn khiến trẻ bất tiện, khó chịu vì phải lấy mẫu xét nghiệm. 

Đồng quan điểm trên, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng Khoa Nhiễm – thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng TP HCM), cũng khuyến cáo các phụ huynh bình tĩnh trước bệnh do virus Adeno. Theo BS Khanh, không nên so sánh tỉ lệ bệnh tăng so với hai năm trước vì đó là khoảng thời gian giãn cách, trẻ không mắc bệnh hô hấp nhiều. 

Virus Adeno giống như các virus RSV (virus hợp bào), cúm, là các virus quanh năm, ít nhiều đều gây bệnh cho người. Triệu chứng thường gặp khi nhiễm virus là nóng, ho, sổ mũi (giống triệu chứng cảm, viêm hô hấp), nặng hơn thì khó thở, phải tới bệnh viện. 

"Bệnh do virus Adeno không có thuốc điều trị đặc hiệu, đa số mắc rồi tự hết" - BS Khanh cho hay cách điều trị giống như những đợt viêm hô hấp do virus, trường hợp cần thiết mới phải nhập viện (phòng trường hợp bội nhiễm). Thường trẻ trở nặng là do miễn dịch kém, có bệnh nền như tim bẩm sinh, bệnh não nặng, bệnh phổi mạn tính hay do nhiễm thêm vi trùng, đặc biệt là vi trùng kháng thuốc.

Theo bác sĩ, các phụ huynh không nên tự ý đưa con đi xét nghiệm hay mong muốn được nhập viện điều trị cho an tâm… mà nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, nhằm phòng ngừa lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế.

Vị chuyên gia khuyên mọi người nên nhắc nhở trẻ em rửa tay thường xuyên, uống đủ nước, ăn đủ chất, ngủ đủ giấc để tăng sức đề kháng.