Nước tiểu trắng đục như sữa do loại ký sinh trùng có thể ở trong người hàng chục năm

Nước tiểu trắng đục như sữa trong thời gian dài, người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh đái dưỡng chấp. Bệnh do nhiễm giun chỉ, có thể tồn tại trong cơ thể người đến hàng chục năm

Bệnh nhân N.V.A (80 tuổi) đi tiểu ra nước tiểu có màu trắng đục như sữa hơn 1 năm nay nhưng không đi khám. Tới khi cơ thể gầy mòn, ông A. mới được người nhà đưa tới Bệnh viện E thăm khám. 

Bệnh nhân được chẩn đoán đái dưỡng chấp và được mổ nội soi thành công. Sau đó, người bệnh được điều trị theo phác đồ cho người nhiễm giun chỉ và đã khỏi bệnh.

Tương tự, bệnh nhân nữ L.T.T (60 tuổi) cũng đến viện khám trong tình trạng cơ thể suy mòn. Bà L. xuất hiện tình trạng nước tiểu màu trắng đục cách đây 2-3 năm và thường theo đợt. Tuy nhiên khi bệnh nhân được chẩn đoán đái dưỡng chấp, gia đình không quyết tâm điều trị.

TS.BS Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật Thận Tiết niệu và Nam học (Bệnh viện E) cho biết, quá trình thăm khám, bác sĩ gặp không ít trường hợp tới viện trong tình trạng gầy mòn, nước tiểu có màu trắng đục như vậy.

Theo TS.BS Liên, trước đây, bệnh đái dưỡng chấp khá thường gặp, hiện nay ít gặp hơn. Đái dưỡng chấp là tình trạng đi tiểu ra dưỡng chấp. 

Trong nước tiểu không có dưỡng chấp. Bình thường, dưỡng chấp chỉ nằm trong hệ bạch huyết, thành phần chủ yếu là triglycerid, phospho lipid, cholesterol tự do. Sở dĩ có dưỡng chấp trong nước tiểu là do có lỗ rò từ hệ thống bạch huyết thông sang hệ thống tiết niệu.

Bệnh thường không có biểu hiện gì hoặc có thể sốt nhẹ nếu có nhiễm khuẩn. Biểu hiện đầu tiên là nước tiểu đục như sữa. Đái dưỡng chấp thường xuất hiện từng đợt, có thể tự ổn định. Bệnh nhân đái dưỡng chấp có thể trạng gầy tùy theo mức độ đái ra dưỡng chấp nhưng vẫn sinh hoạt bình thường, không gặp tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu: không đái dắt, không đái buốt, không đau quặn thận.

Người bệnh có thể phát hiện lỗ rò từ đường bạch mạch vào đường tiết niệu bằng phương pháp chụp hệ bạch mạch có tiêm thuốc cản quang hoặc chụp bể thận ngược dòng có bơm thuốc cản quang.

Cũng theo bác sĩ, nguyên nhân của đái ra dưỡng chấp thường do nhiễm giun chỉ, gặp ở những vùng có yếu tố dịch tễ nơi có lưu hành bệnh giun chỉ, thường ở những vùng sâu vùng xa. Giun chỉ ký sinh làm tổn thương hệ thống bạch mạch, gây ra rò bạch vào đài bể thận và dòng dưỡng chấp đi vào bể thận, khiến bệnh nhân có nước tiểu trắng như sữa.

Đái dưỡng chấp còn gặp ở những trường hợp có chấn thương thận (hiếm gặp) do tai nạn, va đập. Bệnh nhân bị vỡ đài bể thận cũng có thể bị đái dưỡng chấp. Một số bệnh nhân ung thư có thể đái dưỡng chấp do ung thư xâm lấn làm tổn thương bạch mạch.

Tại Việt Nam, đái dưỡng chấp thường gặp ở bệnh lý giun chỉ. Triệu chứng của bệnh rất đặc trưng, bệnh nhân đi tiểu nhiều và nước tiểu trắng như sữa, không đau, buốt. Nếu ăn nhiều đồ mỡ, ăn nhiều chất dinh dưỡng, nước tiểu sẽ đục hơn. Do không có triệu chứng đau nên đa phần bệnh nhân chỉ tìm đến bác sĩ khi cơ thể suy kiệt.

“Ngoài ra, khi người dân đi tiểu thấy có cặn, vón cục có thể nghi ngờ bệnh đái dưỡng chấp. Triệu chứng có thể tăng nặng theo thời gian. Điều này khiến cho bệnh nhân suy kiệt, gầy mòn. Bệnh nhân đái ra dưỡng chấp nếu không được can thiệp sẽ dễ bị nhiễm trùng, thậm chí tử vong do suy kiệt”, bác sĩ cho biết.

Để chẩn đoán sớm đái dưỡng chấp, người dân có thể xét nghiệm nước tiểu. Nếu các chỉ số tăng cao bất thường, bác sĩ sẽ cho khám chuyên sâu để phát hiện bệnh.

Cũng theo Trưởng khoa Phẫu thuật Thận Tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E, người dân khi thấy có bất thường ở nước tiểu cần đi khám sớm. Màu sắc nước tiểu là một trong yếu tố phản ánh sức khỏe. Khi màu sắc bất thường cảnh báo cáo thể cơ thể bạn đang gặp vấn đề.

Nhiễm giun chỉ là bệnh lý ký sinh trùng gây ra bởi giun chỉ. Loại ký sinh trùng này lây truyền từ người này sang người khác thông qua muỗi đốt và phát triển thành giun trưởng thành trong hệ mạch bạch huyết của người.

Ấu trùng giun chỉ và giun chỉ trưởng thành không thể tồn tại trong môi trường tự nhiên mà chỉ ký sinh trong cơ thể người và trong cơ thể của muỗi truyền bệnh. Tại nước ta, khí hậu nóng ẩm, người dân còn duy trì các phong tục tập quán như sinh hoạt dùng nước ao, nhiều kênh mương.. là những yếu tố thuận lợi cho muỗi lây truyền bệnh giun chỉ sang người.