Nước ép trái cây có thần thánh như chúng ta nghĩ?
Để trả lời câu hỏi nước ép trái cây có tốt cho hệ tiêu hóa hay không, phải xác định trong đó có chất gì.
Trong cam, quýt, ngoài vỏ, hạt, những loại hoa quả này cung cấp nước, đường fructose, vitamin B và C, chất sắt, đạm. Một số loại hoa quả như bơ, sầu riêng còn có chất béo.
Khi uống nước ép, chúng ta uống được nước và mùi đặc trưng của loại hoa quả đó, đường fructose, một ít vitamin, còn các chất bột, béo, xơ, đạm trong phần cơm, thịt của trái đó lại không có.
Những loại nước ép trái cây thông thường không khiến hệ tiêu hóa tốt hơn hay gây hại hơn. Tất nhiên, uống nước ép, hệ tiêu hóa dễ xử lý hơn thay vì phải nhai các loại hoa quả. Nhưng tôi quan niệm phải lao động mới tốt. Hơn nữa, một số người có bệnh tiêu hóa uống nước ép trái cây "hơi" có hại dù không làm hệ tiêu hóa xấu hơn. Ví dụ, uống các loại hoa quả có nồng độ vitamin C cao sẽ khiến dạ dày kích ứng, khó chịu, đau hơn, nhất là người bị trào ngược, viêm loét dạ dày.
Nhiều người hỏi tôi nên ăn hoa quả hay uống nước ép thời điểm nào trong ngày thì tốt? Như trên tôi đã nói, trái cây hay nước ép trái cây cũng là món ăn, ngoài nước, còn có đường, đạm, chất béo, vitamin... Cơ thể chúng ta sẽ "phân luồng" đường đi của các chất do thức ăn nạp vào.
Vì thế, không có lý do gì để phải quy định giờ ăn chính được ăn thịt, sau đó mới uống nước ép trái cây. Bởi bản chất trong thịt, cá, cơm, canh hay trái cây đều đủ các thành phần dinh dưỡng, vấn đề là tỷ lệ khác nhau tùy từng món. Do đó, về lý thuyết, chúng ta phối hợp để vừa khẩu vị, không thể nào đang ăn canh chua lại uống thêm nước chanh thì không thể ngon miệng.
Tôi ủng hộ chọn hoa quả, nước ép như món tráng miệng, dùng trong bữa ăn, cơ thể sẽ tự phân loại, chuyển hóa. Ngoài bữa ăn chính, khi khát, chúng ta tự cắt nhỏ trái cây hay uống nước ép cũng được, không bắt buộc phải ăn giờ nào.
Nhiều người thắc mắc sau khi chế biến, ép nước trái cây rồi, có thể cất trong tủ lạnh bao lâu để giữ nguyên vitamin, đảm bảo an toàn?
Theo tôi, để nước ép trong tủ lạnh lâu hay nhanh không phải là quá mấy ngày mà quan trọng là sợ nhiễm khuẩn. Những vitamin tan trong nước khi nấu lên dễ bị hư, còn nếu để lạnh thì ít hư hơn. Tuy nhiên, một số vitamin có thể kết tủa như vitamin C sẽ khiến người uống vào khó hấp thu.
Việc bảo quản trong tủ lạnh nhằm giúp nước ép đỡ bị hư. Bởi trong điều kiện khí hậu, thời tiết bình thường, trái cây có đầy đủ dinh dưỡng, còn khi cắt ra, đặc biệt là các loại trái cây nhiều chất bột đường, ngọt, vi khuẩn vi nấm lên men rất mạnh nên dễ bị hư. Do đó, đưa nước ép, hoa quả đã cắt vào môi trường lạnh nhằm giúp thực phẩm ít bị lên men, hư, còn không có ý nghĩa trong bảo quản vitamin.
Nhiều người thần thánh hóa nước ép trái cây. Tôi khẳng định nước ép trái cây khác với trái cây, vì nước ép đơn giản là nước, đường fructose và một số vitamin tan trong nước tùy loại. Đường này khi vào cơ thể cần vitamin B, C để chuyển hóa bớt, trong khi vitamin đó lại ít trong nước ép. Vì thế, nếu chỉ uống nước ép, cơ thể vẫn cần phải huy động vitamin B, C trong kho dự trữ để chuyển hóa.
Trong hoa quả, rau xanh có nhiều chất xơ, rất tốt cho hệ tiêu hóa, giúp tránh táo bón, đường ruột, lợi khuẩn, giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, mỡ máu, ung thư ruột... Nước ép trái cây không có nhiều chất xơ bằng việc ăn nguyên trái cam, ổi, quýt, xoài... Nếu cảm thấy ăn trái cây khó quá nên xay thành sinh tố để tận dụng hết nguồn dinh dưỡng từ hoa quả.
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM)