Những thầy thuốc thiện nguyện
Cảnh báo giả mạo bác sĩ, lương y tư vấn bán sản phẩm chữa bệnh
5 loại trái cây bình dân nhưng cứ hấp chín lên lại thành bài thuốc quý chữa bệnh an toàn, hiệu quả
Trong 4 ngày, Sở Y tế TP.HCM xử phạt 11 cá nhân, cơ sở khám chữa bệnh
Tổ bảo vệ sức khoẻ của Y viện khám, chữa bệnh cho người dân ở xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng.
Chú trọng Đông y
Ngày 27.2, khá đông bệnh nhân đến Y viện (nội ô Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, thị xã Hoà Thành). Từ sáng sớm, đội ngũ y, bác sĩ, thầy thuốc Đông, Tây y và những người làm công quả đã có mặt tại Y viện. Tất cả nhanh chóng bắt tay vào công việc.
Tại Phòng vật lý trị liệu, các bệnh nhân xếp thành hai hàng trước sân, chờ đến lượt vào khám. Đa phần bệnh nhân mắc các chứng bệnh như đau khớp, đau lưng, tai biến nên đi đứng, nói năng khó khăn. Tất cả bệnh nhân nhanh chóng được các y, bác sĩ mời vào phòng đo huyết áp, bắt mạch và châm cứu, tập vật lý trị liệu.
Trong số những bệnh nhân này có nhiều đạo hữu, chức sắc đạo Cao Đài, nhưng cũng có nhiều người không phải là tín đồ Cao Đài. Không phân biệt tôn giáo, bệnh nhân đến Y viện đều được chữa trị miễn phí.
Bệnh nhân Phan Thị Tuyền, 62 tuổi, ở xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu cho hay, bà không phải tín đồ đạo Cao Đài. Những năm gần đây, bà bị bệnh thần kinh toạ, thoát vị đĩa đệm lưng và đau khớp gối, đã đi chữa trị nhiều nơi nhưng không hết bệnh.
Được biết trong Y viện có phòng vật lý trị liệu, hơn 2 tuần nay, bà vào đây châm cứu trị bệnh. Qua nửa tháng điều trị, bệnh tình của bà thuyên giảm. “Ở đây, bệnh nhân không phải tốn bất kỳ chi phí gì, còn được các bác sĩ, y tá chăm sóc tận tình. Trước đây, tôi đẩy xe gắn máy không nổi, hiện nay thì tự chạy xe đi trị bệnh, không cần con cháu đưa đón nữa”- bà Tuyền vui vẻ nói.
Bác sĩ chuyên khoa cấp I Phan Thị Thanh Nguyên- Trưởng Phòng châm cứu vật lý trị liệu Y viện, ngụ xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, chia sẻ, bà có thâm niên 20 năm công tác ở Trung tâm Y tế huyện Dương Minh Châu và hơn 10 năm là giảng viên Trường trung cấp Y tế Tây Ninh. Năm 2021, bác sĩ Nguyên nghỉ hưu và xin vào Y viện làm công quả.
“Trung bình mỗi ngày, tôi và các đồng nghiệp điều trị gần cả trăm bệnh nhân. Công việc rất bận rộn, nhưng tinh thần của chị em đồng nghiệp trong phòng luôn vui vẻ, thoải mái nên làm việc rất trôi chảy”.
Trong Y viện có 2 trại bệnh dành riêng cho bệnh nhân nam và nữ. Hiện có 12 bệnh nhân nội trú. Các bệnh nhân được Y viện chu cấp khẩu phần ăn mỗi ngày 3 bữa, theo chế độ ăn chay của đạo Cao Đài.
Thầy thuốc của Y viện châm cứu cho bệnh nhân.
Ông Võ Văn Cứng (Phối sư Ngọc Cứng Thanh), 86 tuổi, ngụ phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành- một trong những “cư dân” nhiều năm trong trại bệnh của Y viện tâm sự, vợ ông qua đời, ông không có con cái, hơn 5 năm trước ông bị tai nạn giao thông, thoát vị bẹn nên vào Y viện nhờ chữa trị. Ở đây, ông được chăm sóc ăn uống ngày 3 bữa, khám bệnh, cấp thuốc đầy đủ. “Ở đây không gian yên tĩnh, dễ chịu, được chăm sóc tận tình nên mau hết bệnh lắm”- ông Cứng nói.
Bác sĩ Hồ Tuý Nga, ngụ phường Ninh Thạnh, TP. Tây Ninh- phụ trách trại bệnh cho biết, trước đây bà công tác ở Trung tâm Y tế Hoà Thành. Cuối năm 2011, bà nghỉ hưu và xin vào Y viện làm công quả.
“Ông bà, cha mẹ tôi đều theo đạo Cao Đài. Hồi còn trẻ, tôi lo đi học và bươn chải ngoài đời kiếm tiền chăm lo cho gia đình. Giờ nghỉ hưu, tôi muốn đóng góp một phần công quả nên nộp đơn xin vào Y viện làm việc 11 năm nay”.
Phát triển thêm Tây y
Hiện nay, Y viện có thêm các phòng ban chuyên trách khác, như Phòng khám Tây y (tổ chức khám bệnh với các máy siêu âm, đo nhịp tim, thiết bị nha khoa), Phòng tân dược, bộ phận cận lâm sàng và các Tổ bảo vệ sức khoẻ. Về phần Đông y, có phòng khám xem mạch, kê toa; Tổ hốt thuốc, bảo quản thuốc; Tổ sưu tầm, sơ chế, bào chế thuốc, nấu thuốc cho bệnh nhân; kho chứa thuốc và thuốc thành phẩm.
Ngoài ra còn có Bộ phận châm cứu nội - ngoại trú, Tổ y tế Dưỡng lão đường Qui Thiện (Trí Giác cung), Bộ phận lương thực-dinh dưỡng, Bộ phận vấn an kết hợp với Lễ viện, Bộ phận vệ sinh môi trường kết hợp với Hoà viện, Tổ lái xe, Ban kiểm soát Y viện v.v...
Chuẩn bị thuốc đông y cho bệnh nhân.
Bác sĩ CKII Lê Ngọc Hồ (Giáo hữu Thượng Hồ Thanh) sinh năm 1975, ngụ phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành- nguyên giảng viên Trường đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, được Hội thánh bổ nhiệm Thượng Thống Y viện cho biết, Y viện có nhiệm vụ chính là chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ chức sắc, nhân viên công quả và Dưỡng lão đường; sưu tầm dược liệu kết hợp điều trị bệnh theo hướng Đông Tây y kết hợp; hưởng ứng và tham gia các phong trào y tế cộng đồng do Nhà nước phát động; phối hợp với Hoà viện chung lo việc vệ sinh môi trường khu vực Nội ô Toà thánh; phối hợp với Lễ viện tổ chức thăm, vấn an chức sắc gặp khó khăn, đau yếu v.v...
Hiện nay, Y viện có 73 chức sắc, nhân viên công quả làm việc theo sự hướng dẫn của Hội thánh với phương châm “Tư duy - kỷ cương - trong sáng”. Riêng đội ngũ thầy thuốc có 16 bác sĩ, trong đó có 2 bác sĩ CKII, 3 bác sĩ CKI (gồm các bác sĩ đa khoa, răng hàm mặt, y học cổ truyền, vật lý trị liệu, dược sĩ) và đội ngũ y sĩ, hộ lý. Y viện điều trị Đông - Tây y hoàn toàn miễn phí cho tất cả bệnh nhân nội - ngoại trú. Những trường hợp bệnh nặng sẽ được chuyển lên tuyến trên như Bệnh viện Đa khoa tỉnh hoặc các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh. Y viện hoạt động chuyên môn theo quy trình và phát đồ điều trị của Bộ Y tế quy định.
Một góc sân phơi thuốc Nam
Theo báo cáo của Y viện, trong năm qua, có 450 nhà hảo tâm hiến hơn 308 triệu đồng. Ngoài ra, các nhà hảo tâm còn hiến các loại thuốc tân dược, trị giá hơn 234 triệu đồng. Số thuốc này dùng để phục vụ bệnh nhân đang điều trị tại trại bệnh, phòng khám, các Tổ bảo vệ sức khoẻ của Y viện và Dưỡng lão Qui Thiện. Y viện còn tiếp nhận một số vật tư y tế do Ban cai quản các họ đạo thị xã Hoà Thành, huyện Dương Minh Châu và đạo hữu hiến tặng, như 1 máy đo điện tim, 1 máy nén ép (dùng để rửa dược liệu và sơ chế thuốc Đông y), 10 máy châm cứu, giường kéo cột sống, máy nén ép tĩnh mạch…; các Tổ sưu tầm dược liệu và những người am tường cây thuốc đã hiến hơn 5 tấn thuốc tươi, khô các loại.
Đại Dương