Nhiều người trẻ bị đột quỵ
Do lối sống thiếu lành mạnh, lười vận động, lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê... nên ngày càng có nhiều người trẻ mắc đột quỵ.
Chuyên gia chỉ 7 lưu ý quan trọng đề phòng đột quỵ khi trời lạnh
Dấu hiệu bất thường chỉ điểm nguy cơ ung thư vùng kín ở nam giới
Thông tin bất ngờ về người đàn ông bị đột quỵ giữa đêm ở TP.HCM
Người bị đột quỵ thường phải đối diện với những di chứng đeo bám suốt đời, ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh thăm khám cho bệnh nhân bị đột quỵ
Người trẻ bị đột quỵ ngày càng nhiều. Đáng lo ngại là tỷ lệ tử vong do đột quỵ ở nhóm bệnh nhân này rất cao.
Tỷ lệ tử vong rất cao
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thắng, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bình quân mỗi tháng khoa cấp cứu từ 40-50 bệnh nhân đột quỵ. “Số bệnh nhân bị đột quỵ tăng khá nhiều so với 5 năm trước, đáng chú ý là trong đó có không ít người trẻ”, bác sĩ Thắng cho biết.
Năm 2021, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hải Dương điều trị cho 29 bệnh nhân bị đột quỵ có độ tuổi từ 40 trở xuống, trong đó người trẻ nhất mới 18 tuổi. 6 tháng đầu năm nay, bệnh viện cũng tiếp nhận 3 bệnh nhân từ 30 tuổi trở xuống. “10 năm trước, số người trẻ tuổi bị bệnh này rất hiếm gặp, nhưng vài năm trở lại đây thì khá phổ biến, chiếm khoảng 10%”, bác sĩ Nguyễn Hồng Thành, Trưởng Khoa Đột quỵ bệnh viện này thông tin.
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, 50% trong số này tử vong, số còn lại sẽ bị di chứng đeo bám suốt đời với 5 nhóm điển hình: suy giảm nhận thức, liệt vận động, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc và rối loạn tiểu đại tiện. Tỷ lệ nam giới mắc bệnh này cao gấp 1,5 lần so với nữ giới. Người trung và cao tuổi bị đột quỵ thường do nhồi máu não, tỷ lệ tử vong chiếm khoảng 50%. Người trẻ tuổi bị bệnh này chủ yếu do xuất huyết não (mạch máu não bị vỡ) nên tỷ lệ tử vong thường chiếm từ 90% trở lên. Những trường hợp nào may mắn giữ được mạng sống thì hầu hết sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình.
Bác sĩ Hà Thị Huệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh cho rằng nguyên nhân chính khiến số bệnh nhân mắc đột quỵ ngày càng tăng, nhất là ở người trẻ tuổi là do lối sống thiếu lành mạnh, lười vận động, lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê… Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát và lây lan, các biện pháp phòng chống dịch bị siết chặt khiến nhiều người trẻ lười vận động, kết hợp với ăn uống không kiểm soát dẫn tới tăng cân, béo phì.
“Đây là nguyên nhân khiến nhiều người trẻ bị rối loạn chuyển hoá, mỡ máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, từ đó làm tăng nguy cơ bị đột quỵ. Bên cạnh đó, việc thường xuyên làm việc trong môi trường áp lực, căng thẳng, ngủ nghỉ không điều độ cũng là một nguyên nhân”, bác sĩ Huệ phân tích.
Lưu ý dấu hiệu bất thường
Anh H.N.T. (31 tuổi ở TP Hải Dương) là một trong số những bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ nhưng may mắn thoát khỏi án tử. Nhiều tháng nay, anh được điều trị tích cực tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, đã có thể đi lại nhưng giọng nói vẫn chưa hồi phục, tay phải bị liệt. Anh T. cho biết: “Trước đây tôi thường xuyên thức đêm, sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, lười vận động dẫn tới thừa cân, máu nhiễm mỡ. Trước khi phát bệnh, tôi thường xuyên xuất hiện các triệu chứng như tê bì tay chân, khi ăn bị rơi vãi nhiều, mắt nhắm không kín… May mà tôi được phát hiện sớm và đưa đi cấp cứu kịp thời”.
Các bác sĩ cảnh báo mọi người cần chú ý những biểu hiện bất thường của cơ thể để phòng tránh đột quỵ. Những dấu hiệu nhận biết thông thường trước khi phát bệnh là miệng méo, ăn rơi vãi, mắt nhắm không kín, tê bì tay chân, cơ thể khó vận động, nói không rõ lời, thường xuyên nói lắp… Khi có người không may bị đột quỵ, người nhà tuyệt đối không cho bệnh nhân uống bất kỳ loại thuốc gì, kể cả viên chống đột quỵ hoặc thuốc hạ huyết áp nhanh. Để người bệnh nằm đầu bằng (không gối đầu) ở nơi thoáng mát. Nếu người bệnh bị nôn thì cho nằm nghiêng đầu về bên trái, giúp họ thông đường thở bằng cách lau sạch đờm rãi ở miệng, hầu họng và nhanh chóng gọi xe cấp cứu.
Cần loại bỏ, phòng tránh nguy cơ mắc đột quỵ từ sớm, từ xa bằng cách khám sức khoẻ định kỳ và tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của bác sĩ. Cố gắng dành thời gian tập thể dục, thể thao từ 30-60 phút mỗi ngày.
Người bị đột quỵ, nhất là người trẻ tuổi sau điều trị thường tự ti, ngại giao tiếp, thậm chí là trầm cảm. Người thân cần ở bên động viên, trò chuyện, chia sẻ, kiên trì hỗ trợ họ hồi phục theo chỉ dẫn của bác sĩ. Những người này cũng cần thường xuyên khám sức khoẻ định kỳ để loại bỏ nguy cơ tái mắc bệnh.
BÌNH MINH