Nhiều người trẻ bị bạc tóc sớm, tại sao bác sĩ khuyên không nên nhổ?

Tôi 30 tuổi nhưng đã có nhiều tóc bạc mấy năm nay. Tóc bạc sớm có liên quan đến bệnh lý gì hay không? Tôi hay nhổ tóc bạc nhưng thấy tóc bạc mọc lại đúng chỗ đó, nhiều người nói không nên nhổ.

Bác sĩ Trương Thị Huyền Trang, Khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương, trả lời:

Bình thường, người trên 40 tuổi tóc mới bắt đầu bạc. Tuy nhiên, có nhiều người sức khỏe tốt, đang tuổi thanh xuân nhưng tóc đã bắt đầu bạc, hay còn gọi là chứng tóc bạc sớm.

Với người da vàng, tóc bạc trước 25 tuổi được coi là sớm. Tỷ lệ này với người da trắng - đen lần lượt là 20-30. 

Tóc bạc là tình trạng tóc mất sắc tố, chuyển thành màu trắng. Một số yếu tố nguy cơ khiến tóc bạc sớm như mắc các hội chứng bẩm sinh Brook, Werner, Down… Ngoài ra, yếu tố di truyền rất quan trọng. Gia đình có ông bà, bố mẹ bị tóc bạc sớm thì con, cháu cũng có nguy cơ.

Chế độ ăn uống không hợp lý, thiếu vitamin B12, vitamin D3, biotin, đồng, kẽm, selen, sắt… hay nghiện rượu, cà phê, hút thuốc cũng là nguyên nhân khiến tóc bạc sớm. Nhiều người căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ hoặc phải làm việc trí óc nhiều thường bạc tóc sớm hơn.

Một nghiên cứu trên 6.400 người, với hơn 1.600 người tóc bạc sớm, cho thấy sự liên quan chặt chẽ giữa tiền sử gia đình, béo phì với tỉ lệ tóc bạc sớm và mức độ nặng của tóc bạc. Một số bệnh nhân mắc mạn tính gây rối loạn hấp thu, chuyển hóa kém, cũng có thể khiến bạc tóc sớm hơn. 

Tại sao bác sĩ khuyên không nên nhổ tóc bạc?

Điều trị tóc bạc sớm hiện không có phương pháp đặc hiệu do thường không liên quan bệnh lý, cần bổ sung vi chất bị thiếu, tránh thức khuya.

Sau 23h là thời điểm tóc và da tái tạo. Nếu không đi ngủ sớm sẽ gây rối loạn chu kỳ sản sinh, vận chuyển sắc tố melanin. Việc thiếu vitamin, sinh hoạt không điều độ càng làm mất tế bào sắc tố sau một hoặc vài chu kỳ tóc.

Bác sĩ Trang kiểm tra tình trạng tóc bạc cho bệnh nhân. Ảnh: Võ Thu 

Đa số người da vàng bắt đầu bạc tóc ở tuổi 40, thường bắt đầu ở vùng thái dương, vùng đỉnh; râu và lông thường muộn hơn. Đến tuổi 50, khoảng 20% người đã bạc nửa đầu. Một nghiên cứu trên 1.000 người Hàn Quốc cho thấy 51,5% người có tóc bạc ở tuổi 30; 81,1% ở tuổi 40 và 95,3% ở tuổi 50.

Biện pháp nhổ tóc có thể áp dụng với người chỉ bạc dưới 10%. Tuy nhiên, không nên nhổ tóc bạc. Nang tóc như nhà máy sản xuất, chỉ có giới hạn nhỏ. Vòng đời của một nhà máy này khoảng 10-20 chu kỳ tóc, mỗi lần nhổ là 1 chu kỳ. Sau nhổ, nang tóc vùng đó đã theo chu kỳ rối loạn tổng hợp sắc tố hoặc mất tế bào sắc tố, tóc mọc mới vẫn là tóc bạc,  nên nhiều người trẻ thắc mắc vì sao tóc bạc thường mọc một vài chỗ nhất định dù đã nhổ. Quan trọng hơn, sau vài chu kỳ nhổ, nang tóc mất chức năng hoạt động, dần dà sẽ khiến tóc thưa hơn.

Nhuộm tóc là phương pháp phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên, một số thuốc nhuộm có nguy cơ gây viêm da tiếp xúc. Đã có nghiên cứu cho thấy tỉ lệ ung thư nói chung tăng (đặc biệt là ung thư buồng trứng, ung thư não và hệ máu) ở những người dùng thuốc nhuộm tóc thường xuyên.

Một số người có tóc bạc sớm, tóc bạc một chỏm như "đuôi ngựa" nên đi khám để loại trừ một số bệnh như bạch biến. Ngoài ra, sử dụng một số thuốc hỗ trợ như vitamin nhóm B (B5), vitamin E, cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

Vì sao mới 18, đôi mươi đã hói?Sốt ruột với mái đầu lơ thơ tóc, rụng cả nắm ở hai bên trán, đỉnh đầu, nam thanh niên 18 tuổi ở Hà Nội quyết tâm đi khám mong cứu vãn tình trạng hói.