Nhận tin mắc ung thư sau 3 tháng tự chữa bệnh tại nhà
Thông tin từ Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) ngày 5/1 cho hay nam bệnh nhân 60 tuổi. Ông được chỉ định sinh thiết vùng tổn thương ở lưỡi và xác định mắc ung thư biểu mô vảy. Đây là loại ung thư lưỡi phổ biến nhất.
Theo BS Hoàng Đào Chinh, Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), ung thư lưỡi là loại thường gặp nhất trong các dạng ung thư khoang miệng, chiếm khoảng 40%. Bệnh hay gặp ở lứa tuổi trung niên và người lớn tuổi (thường trên 50 tuổi), nam giới gặp nhiều hơn nữ giới.
Nhiều nghiên cứu cho thấy ung thư lưỡi ở người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) chiếm tỷ lệ thấp (dưới 5%). Tuy nhiên, bệnh lại được xem là những thể lâm sàng đặc biệt ác tính, tiến triển nhanh, nguy cơ tái phát cao, sống thêm thấp hơn và cần quá trình điều trị tích cực hơn.
Trước đó, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội ghi nhận nam bệnh nhân ung thư lưỡi giai đoạn 4 chỉ sau 2 tháng có dấu hiệu bất thường. Bắt đầu từ vết gồ ở lưỡi, nghĩ nhiệt miệng nên anh tự súc họng nước muối. Vết gồ không đỡ, thậm chí còn có vết loét rộng hơn nhưng anh vẫn tự "xử lý". Đến khi vết sùi loét lan ra gần 1cm kèm cảm giác đau nhức anh mới đến viện.
6 yếu tố nguy cơ liên quan ung thư lưỡi
Theo BS Chinh, thuốc lá, rượu bia là hai yếu tố có mối liên quan phổ biến nhất với ung thư khoang miệng, trong đó có ung thư lưỡi. Nam bệnh nhân 39 tuổi trên đây nói với bác sĩ anh thường xuyên uống bia, rượu.
Nhai trầu; tình trạng vệ sinh răng miệng kém, hàm răng giả không tốt, răng mẻ kích thích lâu ngày... cũng là những yếu tố liên quan. Ngoài ra, nhiễm vi sinh vật (virus HP) hay chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin A, E, D, sắt, hoa quả cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư khoang miệng, ung thư lưỡi.
Cẩn trọng với vết loét
Theo các bác sĩ, dù lưỡi là bộ phận dễ quan sát nhưng các triệu chứng ban đầu của ung thư lưỡi thường không rõ ràng nên rất dễ bị bỏ qua. Nhiều bệnh nhân nhận tin ung thư khi đã ở giai đoạn muộn, thậm chí một nửa bệnh nhân phát hiện hạch ngay từ lần khám đầu tiên.
Đa số bệnh nhân có triệu chứng vết loét ở lưỡi có hoặc không kèm đau; vết loét thường nằm ở vị trí bờ lưỡi. Tuy nhiên, nhiều người nhầm tưởng là nhiệt lưỡi, loét niêm mạc lưỡi. Không ít bệnh nhân chủ quan cho rằng mình chỉ bị "nóng trong người" nên uống thuốc nam, thuốc bắc cho mát, khi vết loét lan rộng, mãi không lành thì đã muộn.
Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường có cảm giác như có dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi, rất khó chịu nhưng cảm giác này qua đi nhanh. Ngoài ra ở lưỡi có một điểm nổi phồng có thay đổi màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc tổn thương là vết loét nhỏ. Thậm chí có thể sờ thấy tổn thương chắc, rắn, không mềm mại như bình thường.
Khi sang giai đoạn toàn phát, bệnh nhân thấy đau khi ăn uống, đau kéo dài gây khó khăn khi nói, nuốt, đau có khi lan lên tai, tăng tiết nước bọt, chảy máu vùng miệng, hơi thở có mùi... Người bệnh có thể sốt do nhiễm khuẩn, không ăn được nên cơ thể suy sụp rất nhanh.
Ở giai đoạn này, bệnh nhân xuất hiện ổ loét ở lưỡi, trên ổ loét phủ giả mạc dễ chảy máu, loét phát triển nhanh, lan rộng làm lưỡi bị hạn chế vận động, không di động được.
Khi ở giai đoạn tiến triển, thể loét chiếm ưu thế, loét sâu lan rộng xuống bề mặt hoặc vào mặt dưới, gây đau đớn, gây bội nhiễm, có mùi hôi, rất dễ chảy máu, thậm chí có thể gây chảy máu trầm trọng.
Ở giai đoạn cuối, bệnh nhân mệt mỏi, sút cân, có trường hợp bị sốt, rối loạn tiêu hoá. 75% những bệnh nhân phát hiện hạch thuộc loại hạch di căn, thường gặp hạch dưới cằm hoặc dưới hàm.