Nhận biết rượu dởm và tránh ngộ độc rượu ngày Tết 

Những trường hợp ngộ độc rượu xảy ra chủ yếu do uống phải rượu pha methanol, rượu kém chất lượng, người dùng cần tỉnh táo để bảo vệ sức khỏe.

Nhận biết methanol trong rượu

Dịp lễ Tết là thời gian nhu cầu tiêu thụ rượu bia tăng vọt. Chưa đến Tết nhưng nhiều vụ ngộ độc rượu bia đã xảy ra, số ca nhập viện cũng tăng cao, trong đó có những trường hợp tử vong.

Mới đây nhất, ngày 12/1, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nam 61 tuổi (Bắc Ninh) nhập viện trong tình trạng ngừng tim, phổi do ngộ độc rượu. Bệnh nhân đã được thở máy, lọc máu liên tục, điều chỉnh toan kiềm, điện giải, định lượng độc chất, kết quả cho thấy bệnh nhân bị ngộ độc methanol cấp (cồn công nghiệp) mức độ nặng (nồng độ methanol 78,13 mg/dl).

Ngộ độc rượu xảy ra nhiều dịp lễ Tết. Ảnh minh họa.

Theo TS. Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, rượu giả không được kiểm soát trên thị trường Việt Nam đa phần là loại rượu có pha chế methanol, một loại dung môi phổ biến. Methanol là một loại cồn công nghiệp.

Bản thân Methanol là chất độc có độc tính thấp nhưng khi được đưa vào cơ thể người, nó sẽ được chuyển hóa thành formaldehyde nhờ men alchoholdehydrogenase và sau đó thành formic acid nhờ men acetaldehyde dehydrogenase.

Chính những chất này gây độc cho gan, thận gây suy thận cấp, viêm gan nhiễm độc, đặc biệt là gây toan hóa máu nặng nề. Có những người uống rượu này lâu ngày có thể mờ mắt dẫn đến mù lòa.

Về nguyên tắc, nếu nhìn bằng mắt, ngửi hoặc nếm thì khó biết được rượu chứa hàm lượng methanol cao hay không. Theo đúng quy trình thì rượu phải được cất thành cồn rồi mới được pha chế thành rượu thực phẩm.

TS. Thịnh cho biết, có một cách có thể áp dụng khá chính xác là đổ một ít rượu ra lòng bàn tay rồi xoa xoa hai bàn tay vào nhau. Nếu hai bàn tay còn dính dính là rượu không tốt vì andehit dầu Fugien còn đọng lại trong rượu. Rượu tốt sẽ bay hơi hết khi có tác động ma sát. Các loại độc tố chưa lọc hết này uống vào gây đau đầu, tác hại lớn đến hệ thần kinh. Có thể ngửi, nếu mùi cồn thơm cay nồng là tốt hoặc nếm để biết vị của rượu.

"Nếu phân biệt bằng cách nếm thì rượu có chứa methanol thường có vị hơi ngọt. người dân cũng có thể thử với lửa. Nếu mẫu thử tạo ra ngọn lửa màu vàng khi đốt trên lửa, đồ uống này không an toàn. Hoặc nhúng giấy quỳ đỏ vào trong mẫu rượu nghi ngờ có methanol cao khoảng 2-3 phút. Nếu giấy quỳ chuyển sang màu xanh, loại rượu này chứa lượng methanol nguy hiểm cho sức khỏe. Giấy quỳ có bán rất phổ biến tại các hiệu thuốc, có thể tích trữ sẵn trong ví để thử khi cần thiết", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay.

Rượu đắt tiền cũng có hại

Nhiều người cho rằng, loại rượu đắt tiền sẽ bổ dưỡng cho người sử dụng nên thoải mái uống mà không lo lắng đến khả năng ngộ độc hay hại cho sức khỏe. Theo chuyên gia đây là quan niệm sai lầm.

ThS. Lưu Liên Hương - Viện Y học Ứng dụng cho biết, rượu ngoại hay rượu nội, đắt tiền hay rẻ tiền đều là đồ uống có chứa cồn. Tùy thuộc vào nồng độ cồn trong rượu mà rượu được chia thành nhiều loại nặng nhẹ khác nhau. Các loại rượu ngoại thường có giá cao hơn là do chi phí nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, các loại thuế và thương hiệu, chứ không phải do bổ dưỡng hơn như nhiều người vẫn lầm tưởng.

"Rượu nhập khẩu có giá cao, thậm chí có những chai rượu có giá đến hàng chục triệu đồng là do các yếu tố nêu trên chứ không phải do chúng bổ dưỡng. Về lâu dài, sử dụng rượu bia không được kiểm soát rất dễ dẫn đến những hệ lụy khác nhau, dù là bất cứ loại rượu nào.

Rượu gạo, rượu ngô, rượu sắn hay rượu ngoại đều tác động xấu đến sức khỏe. Không ít trường hợp ngộ độc nặng do uống rượu xịn chứ không phải rượu giả, rượu rẻ tiền. Việc uống rượu quá chén luôn được khuyến cáo là nguy hại", ThS. Lưu Liên Hương cho biết.

Theo ThS. Lưu Liên Hương, uống rượu với một lượng vừa phải, đặc biệt là rượu vang đỏ, được chứng minh là có một số lợi ích cho sức khoẻ, tuy nhiên lượng sử dụng phải rất nhỏ và không lạm dụng. Nếu lạm dụng đồ uống có cồn sẽ gây ra rất nhiều vấn đề sức khỏe như tăng tỷ lệ mắc viêm gan, xơ gan, ung thư, gây ra các bệnh tim mạch, bệnh tiêu hoá, làm giảm khả năng sinh sản…

Ngoài ra, uống quá nhiều rượu còn có thể gây nghiện và là nguyên nhân dẫn đến các hành vi không kiểm soát như phạm tội, tăng nguy cơ tai nạn giao thông, làm giảm hiệu quả công việc.

"Do vậy, cho dù là rượu ngoại, rượu nội, cũng là con dao 2 lưỡi, nếu lạm dụng rượu, kể cả rượu ngoại thì sẽ gây ra nhiều hậu quả về sức khoẻ. Theo khuyến cáo, nam giới trưởng thành không uống quá 2 ly tiêu chuẩn/ngày và nữ giới trưởng thành không uống quá 1 ly tiêu chuẩn/ngày. 1 ly tiêu chuẩn tương đương với 14g cồn nguyên chất, tức là tương đương với 1 chén 45ml rượu 40 độ cồn", ThS Lưu Liên Hương đưa ra lời khuyên.

Nguồn suckhoedoisong