Nguy cơ ung thư từ việc ăn các loại hạt bị mốc ngày Tết
Nguy cơ từ bánh, mứt bị hỏng và hạt mốc
Ngày Tết cổ truyền, các gia đình không thể thiếu bánh ngọt, mứt và các loại hạt để đãi khách.
Bánh ngọt, mứt được sản xuất từ nhiều nguyên liệu khác nhau (bột, đường, bơ, sữa, trứng...), sau khi được chế biến thành sản phẩm, chúng được tiệt khuẩn.
Ths.BS Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khuyến cáo nếu để lâu, bảo quản kém, các sản phẩm trên dễ bị hỏng do vi sinh vật và nấm mốc, nhất là loại bánh kem và các loại mứt.
Mứt hút ẩm, chảy nước là sắp hỏng. Đây là yếu tố thuận lợi cho vi sinh vật, nấm mốc phát triển làm hỏng mứt và bánh ngọt.
Theo Ths.BS Tiến, nấm men ưa đường gây nứt nẻ và làm bánh mất mùi vị, màu sắc đặc trưng. Bề mặt bánh ngọt để lâu xuất hiện những loại nấm mốc khác nhau. Nếu bánh ngọt chảy nước, mất mùi vị, màu sắc biến đổi mất màu sắc đặc trưng, người dân cần bỏ đi, không nên tiếc, ăn vào không tốt cho sức khỏe.
Về các loại lương thực, thực phẩm, Ths.BS Tiến thông tin lạc, đậu nành, hạt điều, hạt hướng dương, gạo, ngô, sắn... dễ bị nhiễm nấm mốc.
Thủ phạm làm các loại hạt bị mốc là một loài nấm mốc có tên là Aspergillus flavus. Nấm này tiết ra độc tố Alfatoxin rất nguy hiểm. Ngoài tác hại gây độc cấp tính, Alfatoxin còn tích lũy dần trong cơ thể và sẽ là nguyên nhân gây bệnh ung thư.
Theo chuyên gia trên, Aflatoxin rất khó bị phân hủy bởi nhiệt độ cao hay hóa chất. Không những thế, độc tố còn có thể tích lũy trong cơ thể người và động vật. Nghiên cứu ghi nhận, lạc rang ở nhiệt độ 150 độ C, các bào tử nấm đều bị diệt nhưng độc tố không bị phá hủy hoàn toàn.
“Một số người có thói quen tiếc rẻ những thực phẩm bị chớm mốc, vẫn dùng làm thức ăn, hãy cẩn thận", Ths.BS Tiến cho biết.
Ngộ độc thực phẩm xử lý như thế nào?
Theo Ths.BS Tiến, an toàn thực phẩm luôn bị tác động bởi yếu tố môi trường, chế biến, bảo quản, lưu thông, phân phối và sử dụng. Do vậy, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cần có sự phối hợp liên ngành, thực hiện toàn diện, xuyên suốt theo “chuỗi cung cấp thực phẩm”.
Đồng thời, chúng ta cần áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến trong sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối, kinh doanh và sử dụng thực phẩm.
Người tiêu dùng cần thực hiện những lời khuyên đảm bảo an toàn thực phẩm và dinh dưỡng hợp lý.
“Khi hình dạng, màu sắc, mùi vị của thực phẩm bị biến dạng (so với đặc trưng của thực phẩm) hoặc nghi ngờ không đảm bảo an toàn dù có phải tiêu hủy vẫn còn ít tốn kém hơn việc phải chịu các chi phí khắc phục hậu quả (ngộ độc, nguy hiểm sức khỏe…)", Ths.BS Tiến phân tích thêm.
Để ngăn ngừa tình trạng ngộ độc do ăn phải độc tố của vi nấm, người dân cần áp dụng các biện pháp đề phòng như:
- Không mua và sử dụng các loại lương thực, thực phẩm đã bị mốc như: Lạc, đậu nành, gạo, ngô, bánh ngọt, mứt...
- Không được đãi, rửa các lương thực, thực phẩm đã bị mốc để sử dụng trở lại vì độc tố sẽ còn lại bên trong.
- Khi sử dụng thực phẩm có biểu hiện của nhiễm độc, ngộ độc thức ăn hoặc nghi ngờ bị ngộ độc, người dân phải đình chỉ việc sử dụng thức ăn đó và giữ toàn bộ thức ăn thừa, chất nôn, phân, nước tiểu… để gửi đi xét nghiệm. Hãy báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để điều tra xác minh và kịp thời tổ chức cấp cứu người ngộ độc.
"Xử trí cấp cứu trước tiên, chúng ta phải làm cho người bị ngộ độc nôn ra hết chất đã ăn vào, ngăn cản sự hấp thu của ruột với chất độc, phá hủy độc tính đồng thời bảo vệ niêm mạc dạ dày", Ths.BS Tiến cho biết.