Người đàn ông bị thủng trực tràng do dùng vòi xịt toilet sai cách

Cụ ông 90 tuổi ở TP Vũng Tàu gặp khó khăn khi đi vệ sinh nên dùng vòi xịt nước trực tiếp vào hậu môn. Sau đó, bệnh nhân thấy đau bụng dữ dội.

Ngày 28/2, BS.CKII Nguyễn Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Vũng Tàu, cho biết, các bác sĩ Khoa Ngoại vừa phẫu thuật thành công cho cụ ông H.K.A (90 tuổi, ngụ phường 11, TP. Vũng Tàu) bị thủng trực tràng, tiên lượng nặng do dùng vòi xịt nước trực tiếp vào hậu môn. 

Theo thông tin từ người thân, ông A. bị táo bón, khó khăn trong việc đi vệ sinh nên dùng vòi xịt cho nước trực tiếp vào hậu môn. Sau đó, ông đau bụng dữ dội. Ngày 25/2, người bệnh được đưa vào bệnh viện khám, chụp X-quang, siêu âm, chụp CT ổ bụng chẩn đoán thủng trực tràng sau dùng vòi xịt nhà vệ sinh để thụt tháo hậu môn.

Bác sĩ thăm khám cho ông A. sau ca phẫu thuật. Ảnh: Linh Chi

Cách đây 12 năm, bệnh nhân cũng từng phải phẫu thuật thủng trực tràng nguyên nhân do dùng vòi xịt theo cách trên. 

Ông A. được phẫu thuật cấp cứu, ghi nhận ổ bụng có dịch máu bầm, phân trong ổ bụng, đoạn trực tràng trên có đường vỡ dọc... Bác sĩ đã tiến hành làm sạch ổ bụng, khâu vị trí thủng và làm hậu môn nhân tạo. Sau ca mổ, ông A. phục hồi tốt, tiếp tục được theo dõi và điều trị tại bệnh viện.

BS.CKII Nguyễn Văn Bình khuyến cáo, tuyệt đối không dùng vòi xịt nhà vệ sinh để thụt tháo hậu môn khi bị táo bón. Vòi xịt có áp lực nước mạnh gấp 3 - 4 lần so với các loại bình thường. Do đó, thói quen này rất nguy hiểm, mức độ nhẹ có thể gây ra các tổn thương, viêm nhiễm ở niêm mạc hậu môn, viêm nhiễm trực tràng, nặng nề hơn có thể gây vỡ đại tràng, trực tràng.

Khi nào polyp đại trực tràng là ác tính?

Khi nào polyp đại trực tràng là ác tính?

Polyp là một trong các tổn thương hay gặp ở các bệnh nhân được nội soi đại trực tràng. Một số đặc điểm hình ảnh trên nội soi có thể gợi ý phần nào polyp lành hay ác tính, nhưng chẩn đoán chính xác vẫn là kết quả giải phẫu bệnh khi sinh thiết polyp.