Người đàn ông bất ngờ ngã quỵ sau bữa cơm

Sau bữa cơm trưa với gia đình, ông L. vừa đứng dậy đi lại thì bị ngã, người yếu dần. Bác sĩ chẩn đoán ông bị nhồi máu não.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thông tin trường hợp này là ông N.K.L, 61 tuổi, trú tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ông được cấp cứu tại Trung tâm Tim mạch và Trung tâm Đột quỵ do bị lóc tách động mạch chủ ngực vỡ, nhồi máu não. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường.  

Người nhà bệnh nhân cho hay sức khỏe ông bình thường, có tiền sử phình động mạch chủ ngực trước đó 6 tháng không điều trị. Ngày 3/1, sau khi ăn bữa trưa với gia đình, ông L. đang đi thì bị ngã quỵ và yếu dần. Gia đình nhanh chóng đưa người bệnh đến viện cấp cứu.

Thời điểm này, ông lơ mơ, kích thích nhiều, yếu tứ chi, tim nhịp nhanh, phổi có ral ẩm 2 bên, ý thức suy giảm. Qua thăm khám, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực và MRI sọ não, người bệnh được chẩn đoán lóc tách động mạch chủ ngực vỡ vào màng tim, nhồi máu não, viêm phổi trên nền tăng huyết áp, đái tháo đường.

Bác sĩ nội trú Dương Xuân Phương, Trưởng đơn vị Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, cho biết vấn đề nguy cấp nhất của bệnh nhân là lóc tách động mạch chủ ngực vỡ, mạch nhanh, huyết áp tụt. Người bệnh được xử trí đặt dẫn lưu màng tim, đặt ống nội khí quản để kiểm soát tuần hoàn và hô hấp.

Phẫu thuật cho người bệnh lóc tách động mạch chủ ngực vỡ. Ảnh: BVCC

Bác sĩ Phương đánh giá đây là ca bệnh đặc biệt, nặng và khó. Trong tình thế không đủ điều kiện chuyển tuyến trên, nếu không mổ, bệnh nhân sẽ tử vong. Ê-kíp phẫu thuật của Bệnh viện tỉnh Phú Thọ với sự hỗ trợ của Bệnh viện Tim Hà Nội đã phẫu thuật thay động mạch chủ ngực bằng mạch nhân tạo dưới tuần hoàn ngoài cơ thể cho bệnh nhân. Phương pháp này chưa từng thực hiện ở viện. 

Dù tiên lượng tỷ lệ thất bại của cuộc mổ khá cao, may mắn, 3 ngày sau phẫu thuật, người bệnh ổn định về tim mạch, được chuyển sang Trung tâm Đột quỵ tiếp tục điều trị. Lúc này, ông L. vẫn trong tình trạng rối loạn ý thức, thở máy qua ống nội khí quản, rối loạn ý thức, yếu tứ chi, tim nhịp nhiều, phổi có ran ẩm 2 bên.

Sau 4 ngày điều trị, ông được rút ống nội khí quản. 10 ngày sau, người bệnh tỉnh táo, vết mổ ổn định. Đến ngày 18/1, bệnh nhân đã được xuất viện, trở về nhà ngay trước Tết Nguyên đán. 

Nguồn: Cục Quản lý Khám chữa bệnh

Nhồi máu não, còn gọi là thiếu máu não cục bộ, là một trong 2 thể chính của đột quỵ não (cùng với chảy máu não). Một nghiên cứu của Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, khảo sát trên 2.310 bệnh nhân đột quỵ công bố tháng 11/2022 cho thấy độ tuổi trung bình người dân Việt Nam bị đột quỵ khoảng 65; 7,2% bệnh nhân dưới 45 tuổi, bệnh nhân nam gấp 1,5 lần nữ.

Tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não chiếm 76%. Đáng lưu ý, với người trẻ dưới 45 tuổi, tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não chỉ chiếm 50%, còn chảy máu não chiếm đến 46%. Điều này có nghĩa là ở người trẻ, tỷ lệ chảy máu não gia tăng rất nhiều. 

Các dấu hiệu nhận biết người đột quỵ:

- Mất thăng bằng, hoa mắt chóng mặt, cử động khó khăn, không thể phối hợp các động tác vận động.

- Đau đầu dữ dội, cơn đau đến rất nhanh, có thể kèm theo buồn nôn hoặc nôn.

- Tầm nhìn bị giảm đột ngột, mất thị lực một phần hoặc hoàn toàn.

- Yếu liệt một bên cơ thể hoặc không thể cử động một bên chân tay. Cách nhận biết chính xác nhất là bạn không thể nhấc 2 tay lên cùng một lúc.

- Đột nhiên cảm thấy mất sức, cơ thể mệt mỏi.

- Tê cứng mặt hoặc một nửa mặt, nụ cười bị méo mó, nhân trung bị lệch.

- Mất khả năng nói hoặc nói nhưng khó phát âm, không rõ chữ, bị dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có kiểm tra bằng cách yêu cầu người bị đột quỵ lặp lại một câu ngắn bạn vừa nói.

(Nguồn: Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế)