Người dân hết ‘đau đầu’ để dịch chữ bác sĩ
Tại Hội thảo về ứng dụng giải pháp công nghệ thông tin nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tổ chức sáng 17/11, ông Nguyễn Huy Dũng – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá y tế là lĩnh vực tiên phong triển khai ứng dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia, với mong muốn đưa công nghệ tới gần y bác sĩ, người dân.
Ứng dụng công nghệ thông tin giúp thầy thuốc thực hiện công việc tốt hơn, giúp người dân sử dụng dịch vụ tiện lợi hơn. Đơn cử, việc quét mã QR, thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến ngay cả sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, dữ liệu là nguyên liệu, là đầu vào quan trọng của chuyển đổi số, phục vụ công việc của bệnh viện, thầy thuốc.
“Nhìn từ góc độ này, ngành Y tế đang sở hữu nguồn tài nguyên lớn, đó là dữ liệu liên quan công tác khám chữa bệnh của người dân Việt Nam. Đây là đầu vào để thông minh hoá, tối ưu hoá các dịch vụ” – ông Dũng cho hay.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn Bộ Y tế tiếp tục quan tâm, thúc đẩy thêm nhiều mô hình chuyển đổi số có hiệu quả vượt trội, tạo niềm tin và cảm hứng mạnh mẽ cho các cơ sở khác.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám chữa bệnh vẫn còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin chưa tương xứng với khối lượng dữ liệu y tế cần quản lý; hệ thống thông tin và các cơ sở dữ liệu còn rời rạc, chưa liên thông với nhau. An toàn thông tin và nhiều yêu cầu về công nghệ thông tin còn chậm triển khai…
Chính những hạn chế này dẫn đến việc phát triển công nghệ thông tin khác nhau giữa các bệnh viện công lập, tư nhân và giữa các tuyến.
Bộ Y tế cho biết Việt Nam hiện có hơn 1.400 bệnh viện công lập và hơn 300 cơ sở ngoài công lập. Một khảo sát mới đây do Cục Quản lý khám chữa bệnh thực hiện tại 732 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc cho thấy 71% cơ sở đã thực hiện thanh toán viện phí điện tử, số còn lại thanh toán bằng tiền mặt.
Tuy nhiên, chưa đến 50% bệnh viện thực hiện đặt lịch khám trực tuyến. Con số này với bệnh viện tuyến trung ương là 70%. Bệnh nhân đặt lịch qua điện thoại là phổ biến nhất (gần 39%), qua website của viện hơn 28%, qua tổng đài có 21,52% và qua app hơn 11%.
Về bệnh án điện tử, qua khảo sát, còn hơn 32% cơ sở chưa triển khai. Trong số các cơ sở đã thực hiện, mới có 3% cơ sở có phần mềm quản lý được ghi chép của hồ sơ bệnh án đã được thẩm định và bỏ bệnh án giấy.
Ngành Y tế đặt mục tiêu năm 2030, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, chuyển đổi số trong y tế không phải là vấn đề xa xôi mà gắn liền với lợi ích thiết thực của bệnh viện, thầy thuốc và người dân.
“Đơn giản nhất là đơn thuốc hay bệnh án điện tử. Nếu chuyển từ viết tay sang đánh máy, người dân không còn phải đau đầu dịch đơn thuốc, cũng không còn sự so sánh chữ bác sĩ “xấu như gà bới” – PGS Khuê chia sẻ.
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai đơn thuốc điện tử còn giúp các bệnh viện kiểm soát việc kê đơn; dự trù, lập kế hoạch số lượng thuốc cho từng năm/giai đoạn; quản lý sử dụng kháng sinh, hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh…