'Nghiện' bẻ khớp ngón tay, vặn cột sống, lắc cổ có gây thoái hóa sớm?
Theo bác sĩ Bùi Hải Bình, Trung tâm Cơ Xương Khớp Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), giữa các khớp có bao khớp, trong bao khớp có chất hoạt dịch bôi trơn đầu khớp, làm giảm ma sát khi cọ xát. Việc bẻ khớp tay sẽ tạo thay đổi áp lực trong bao khớp, khiến chất hoạt dịch bị kéo giãn ra và tạo khoảng trống.
Trong bao khớp không chỉ có chất hoạt dịch mà còn có bóng khí chứa oxy, CO2, nitơ - là thành phần trong máu - đi vào. Khi thay đổi áp lực, bóng khí trong bao khớp sẽ hình thành hoặc vỡ ra, từ đó gây ra tiếng rắc rắc.
Ngoài các khớp lớn có bao khớp như khớp bàn ngón tay, khớp gối háng..., khi vặn cột sống cũng phát ra tiếng "rắc rắc" là do sự giãn ra của dây chằng hoặc sự cọ xát của các bề mặt, các xương, lên nhau.
Vậy thói quen bẻ khớp ngón tay có khiến khớp tay to ra, ảnh hưởng thẩm mỹ hay gây hại cho sức khỏe?
Bác sĩ Bình dẫn một nghiên cứu của bác sĩ Donald Unger (Mỹ), người đã dành ra 60 năm để thực hiện nghiên cứu về bẻ tay. Suốt 60 năm, bác sĩ Donald liên tục bẻ khớp tay bên trái hằng ngày, còn tay phải không bẻ, để đối chứng. "Công trình này được giải Nobel 'gây cười', bác sĩ Bình chia sẻ. Sau 6 thập niên bẻ tay trái, vị bác sĩ người Mỹ phát hiện không có sự khác biệt giữa hai bên, việc bẻ tay cũng không gây ra viêm hay thoái hoá khớp.
"Một nghiên cứu năm 2010 trên 215 người ở độ tuổi trung niên có bẻ khớp tay, cho thấy kết quả tương tự, nghĩa là không có mối liên quan cụ thể giữa bẻ khớp ngón tay với các tổn thương khớp", bác sĩ Bình nói.
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác trên 300 người thấy rằng dù không gây viêm, thoái hóa nhưng việc bẻ khớp ngón tay có thay đổi phần mềm quanh khớp, khiến khớp sưng và to lên, cơ lực tay cũng giảm đi.
"Điều này có nghĩa là việc bẻ khớp tay có thể khiến to khớp tay, giảm lực của tay", bác sĩ Bình cho hay.
Thực tế, nhiều người thích bẻ khớp tay, vặn sống lưng, lắc cổ, điều này khiến họ thoải mái, đặc biệt khi làm việc trong một tư thế lâu, nhiều người lại bẻ khớp như thói quen vô thức.
Trong 20 năm qua, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân đến khám hỏi bác sĩ Bình tiếng lục cục, rắc rắc khi bẻ khớp tay có vấn đề không, có gây nguy cơ thoái hóa không? Dù bản thân cũng có thói quen bẻ khớp tay và chưa nhận thấy sự thay đổi, nhưng theo vị bác sĩ, trên góc độ khoa học về cơ xương khớp, đây là một hành động không tốt. Việc bẻ khớp tay sẽ tạo ra sự tác động giữa hai mặt khớp, có thể gây bào mòn khớp. Về lâu dài, điều này có thể tăng quá trình thoái hóa.
“Nếu những người không bị hạn chế vận động khớp, việc bẻ khớp không gây đau, thì bẻ không thành vấn đề. Nhưng người có đau khớp, có biến dạng ở khớp thì không nên bẻ", bác sĩ Bình cho hay. Chưa kể, nhiều người còn có thói quen bẻ cột sống, lắc vặn cổ, rất nguy hiểm.
"Nhiều người không biết cột sống có vấn đề như trượt, thoát vị hay loãng xương hay không. Nếu bẻ, có thể làm gãy cột sống hoặc trượt, thoát vị đĩa đệm. Đặc biệt với chị em, đã có những nghiên cứu cho thấy bẻ khớp tay có thể khiến to tay, ảnh hưởng thẩm mỹ, vì thế nên hạn chế bẻ khớp tay", bác sĩ khuyên.
Khi căng thẳng, bối rối, nhiều người có thói quen bẻ tay trong vô thức. Vị chuyên gia khuyên thay vì bẻ khớp tay, có thể cầm bút, đồng xu hay quả bóng nhỏ để xoay, nhằm thay thói quen cũ thành thói quen mới. Nếu tập trung thực hiện thói quen mới thì bỏ được thói quen bẻ khớp tay, thậm chí còn tăng cơ lực hay sự dẻo dai của ngón tay.