Một người phụ nữ phải cắt bỏ mắt do sơ suất khi tắm
Viêm giác mạc Acanthamoeba là bệnh nhiễm trùng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng do một sinh vật cực nhỏ xâm nhiễm vào giác mạc, lớp màng bên ngoài của mắt. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ, bệnh phổ biến nhất ở những người đeo kính áp tròng, nhưng bất kỳ ai cũng có thể mắc phải.
Marie Mason, 54 tuổi, sống ở Anh, đã đeo kính áp tròng 30 ngày. Bà tin rằng sinh vật xâm nhập vào mắt khi bà tắm mà không tháo kính áp tròng ra. Nữ bệnh nhân chia sẻ với BBC News: “Ký sinh trùng lọt vào kính và nhân lên khiến mắt tôi bị nhiễm trùng”.
Theo CDC Mỹ, đeo kính áp tròng khi tắm vòi hoa sen hoặc làm sạch kính bằng nước máy khiến mọi người có nguy cơ mắc bệnh viêm giác mạc do loại amip có tên là Acanthamoeba. Người bệnh có thể đau dữ dội và mù lòa nếu không được điều trị.
John Dart, giáo sư Viện Nhãn khoa UCL ở Anh, thông tin, khoảng 150 đến 200 người ở Anh mắc bệnh nhiễm trùng mỗi năm. Ông nói: “Rất ít người phải cắt bỏ mắt, nhưng khoảng 50% sẽ suy giảm đáng kể thị lực”.
Viêm giác mạc do amip có thể khiến bạn cảm thấy như có cát vướng trong mắt. Bà Mason cho biết: "Tôi bắt đầu cảm thấy trong mắt có dị vật giống như một chút cát hoặc sạn. Khi bạn dụi mắt, sạn đó không mất đi".
Theo Insider, các triệu chứng của viêm giác mạc do Acanthamoeba có thể bao gồm đau mắt, mờ mắt, nhạy cảm với ánh sáng và cảm giác có vật gì đó trong mắt. CDC Mỹ khuyến cáo mọi người nên đi khám bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng nào như trên.
Các bác sĩ chẩn đoán bà Mason bị viêm giác mạc do Acanthamoeba và điều trị bằng nhiều loại thuốc, tiến hành 3 ca ghép giác mạc nhưng tất cả đều không thành công.
Sau 5 năm, bác sĩ đưa ra quyết định cắt bỏ mắt trái của bà Mason. Kể từ năm 2020, bà phải đeo mắt giả sau khi phẫu thuật.
"Đôi khi tôi gặp khó khăn vì không còn mắt trái. Thật khó khăn khi đi bộ trên phố đông người", bà Mason tâm sự.