Mắc bệnh 'nhạy cảm' lây qua đường tình dục có điều trị được không?
Nhiễm trùng qua đường tình dục (STI) là tình trạng nhiễm trùng mắc phải hoặc lây nhiễm trong hoạt động tình dục. STI có thể do virus (virus gây suy giảm miễn dịch ở người, mụn rộp), vi khuẩn (như lậu, giang mai) hoặc ký sinh trùng (như rận mu), lây truyền khi quan hệ tình dục bằng miệng, hậu môn, âm đạo hoặc đơn giản là tiếp xúc da với da.
Các loại bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STD) phổ biến gồm lậu, giang mai, Chlamydia, sùi mào gà, mụn rộp sinh dục, viêm gan A, B, C; HIV... Theo các bác sĩ Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), tỷ lệ STI ở nam giới trong độ tuổi 20 và 30 cao hơn các nhóm khác.
Ngoài những tác động ngắn hạn, một số bệnh STD có thể gây tổn thương lớn cho hệ thống sinh sản của bệnh nhân, ảnh hưởng đến khả năng có con, ví dụ bị viêm niệu đạo do nấm hoặc khuẩn lậu cầu. Bác sĩ Nguyễn Duy Khánh, Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức, cho biết viêm niệu đạo nếu không điều trị sớm dễ để lại biến chứng, nguy hiểm nhất là viêm tinh hoàn. Tình trạng này khiến tinh trùng bị tắc lại ở những ống mào tinh hoàn, gây vô sinh. Bệnh sùi mào gà không chỉ gây khó chịu cho bệnh nhân mà còn có thể dẫn tới nhiều biến chứng khó lường, thậm chí có thể bị ung thư hậu môn, ung thư cổ tử cung, ung thư dương vật, ung thư hầu họng.
Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, phải dùng thuốc suốt đời.
Bệnh lây truyền qua đường tình dục có điều trị được không, đến đâu khám?
Việc điều trị bệnh STD phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra chúng. Theo các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương, đối với một số bệnh do virus gây ra như: HIV/AIDS, herpes, viêm gan B... hiện chỉ có thuốc ức chế, tức là kìm hãm sự phát triển của virus mà chưa điều trị được khỏi hoàn toàn.
Trong khi đó, các bệnh giang mai, lậu, chlamydia, sùi mào gà… có thể chữa được, cần phát hiện sớm và điều trị đúng tránh biến chứng. Tuy nhiên, các bệnh này vẫn có thể tái phát nếu lại quan hệ với người mắc bệnh.
Nếu có các triệu chứng phổ biến của nhóm bệnh lý này như: Kích ứng da hoặc phát ban; ngứa; đau ở bụng dưới hoặc bộ phận sinh dục; cảm giác nóng rát khi đi tiểu; tiết dịch từ dương vật hoặc hậu môn..., hãy đến gặp bác sĩ ngay, đặc biệt là bác sĩ da liễu, nam khoa, phụ khoa... Thực tế nhiều người cho rằng đây là nhóm bệnh nhạy cảm, tâm lý e ngại, âm thầm tìm kiếm cách điều trị thay vì đi khám bác sĩ có chuyên môn tại các bệnh viện, cơ sở y tế uy tín. Họ chỉ đến viện chuyên khoa khi bệnh đã có biến chứng.
Nếu nghi ngờ mắc bệnh, nên tránh quan hệ tình dục, phòng lây nhiễm. Bệnh nhân nên nói chuyện với đối tác tình dục của mình để họ có thể sắp xếp đi khám bác sĩ. Với bệnh lý STD, cần phải điều trị cùng lúc cho cả bạn tình để tránh mắc lại.
Để phòng bệnh, bác sĩ khuyên quan hệ tình dục với người không có bệnh STD, lý tưởng nhất là cả hai được xét nghiệm trước khi bắt đầu quan hệ tình dục. Nhiều bệnh STD không có triệu chứng, cách duy nhất để biết chắc chắn là xét nghiệm kiểm tra.
Cách tốt nhất để đối phó với STI là thực hành tình dục an toàn để tránh lây nhiễm ngay từ đầu, đặc biệt là với bạn tình mới, bao gồm:
- Sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn, miệng hoặc âm đạo
- Tránh tiếp xúc với bất kỳ vết loét hoặc phát ban
- Nếu đang hoạt động tình dục và có bạn tình mới hoặc khác, nên kiểm tra sức khỏe tình dục 3 tháng/lần. Nếu đang có một mối quan hệ tình dục lâu dài, nên kiểm tra sức khỏe tình dục ít nhất mỗi năm/lần.
Ngoài ra, tiêm phòng vắc xin HPV trước khi quan hệ tình dục sẽ ngừa được chủng lây lan HPV nguy hiểm như type 16,18.