Mắc bệnh hơn 5 triệu người Việt bị, người đàn ông Hà Nội suýt cụt chi vì sai lầm 'nói mãi'

Tự tiêm kháng sinh, đắp thuốc lá vào vết loét bàn chân tiểu đường, ông Đ.C.T (Hà Đông, Hà Nội) vào viện với ngón chân loét, mưng mủ. Đường huyết chạm mức nguy hiểm, nguy cơ cắt cụt chi.

Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) vừa tiếp nhận ca bệnh hoại tử chi do tự tiêm kháng sinh, đắp thuốc lá vào vết loét ngón chân. Người bệnh gần 70 tuổi vào viện trong tình trạng sốt cao, nhiễm trùng, mệt mỏi, ngón chân loét, mưng mủ, nhiều tổ chức hoại tử bốc mùi, đau nhức.

Chỉ số bạch cầu tăng cao, đường huyết vượt ngưỡng, chạm mức nguy hiểm, có nguy cơ phải cắt cụt chi.

Bệnh nhân phải điều trị kháng sinh gấp, điều chỉnh liều insuline và xử lý tổn thương tại vị trí nhiễm trùng. Ông cũng được cắt lọc, nạo vét các tổ chức hoại tử mỗi ngày.

Nhiều khó khăn gặp phải trong quá trình điều trị, chăm sóc bảo tồn cả bàn chân cho nam bệnh nhân bởi vết thương tự điều trị tiêm kháng sinh và đắp thuốc lá không rõ thành phần nguồn gốc sẽ dẫn đến hoại tử hoàn toàn.

Chăm sóc vết loét bàn chân cho nam bệnh nhân đái tháo đường. Ảnh: Đ.H

Điều dưỡng trưởng của Khoa Nội tiết, Đặng Thị Nga, chia sẻ cả đốt ngón chân của bệnh nhân bị hoại tử bốc mùi, chăm sóc vết thương thông thường không hiệu quả. Các điều dưỡng có ngày phải thay băng cho bệnh nhân nhiều lần vì dịch tiết ra nhiều.

Với vết thương của bệnh nhân sau khi tình trạng nhiễm trùng cấp tính được kiểm soát, bác sỹ tháo bỏ ngón chân để bảo tồn các ngón còn lại. Sau gần 1 tháng tích cực điều trị, bệnh nhân đã được xuất viện với chỉ số bạch cầu về bình thường, chỉ số đường huyết được kiểm soát.

Mỗi tháng tại Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tiếp nhận và điều trị rất nhiều ca mắc đái tháo đường có biến chứng bàn chân. Đặc biệt, nhiều trường hợp tự ý ngâm chân bằng nước nóng hoặc các loại cỏ cây không rõ nguồn gốc hoặc tự ý điều trị kháng sinh, dẫn đến nhiễm trùng nặng.

Bệnh nhân vẫn chủ quan không đi khám ở bệnh viện do nghĩ vết thương nhỏ có thể tự lành. Trong khi bàn chân, ngón chân là bộ phận tiếp xúc nhiều với bụi nền đường và nước bẩn, nguy cơ nhiễm trùng rất cao, tình trạng hoại tử lan rộng có thể xảy ra, thậm chí phải cắt cụt chi, đe dọa đến tính mạng.

GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam, cho biết hiện có khoảng 5,7% dân số Việt Nam mắc đái tháo đường, tương đương hơn 5 triệu người. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng, trong đó có biến chứng bàn chân với các yếu tố thuận lợi như nhiễm trùng, mạch máu hay biến chứng thần kinh.

Theo thống kê, nguy cơ loét bàn chân ở người bệnh đái tháo đường là 15%, cứ mỗi 30 giây lại có một người bị cắt cụt chi do đái tháo đường. 

Bệnh nhân đái tháo đường dễ bị tổn thương loét chân, thường xảy ra ở mu bàn chân và ngón cái. Các vết loét thường bắt đầu là những vết xước hoặc phồng da rất nhỏ nhưng do không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách nên bị nhiễm trùng. Tình trạng nhiễm trùng ngày càng lan rộng ra toàn bộ bàn chân.

Đến lúc này, mọi biện pháp điều trị nội khoa bằng thuốc hoặc cắt lọc đều thường không có kết quả. Vì vậy, các bệnh nhân đái tháo đường cần báo ngay cho bác sĩ điều trị khi phát hiện bất cứ tổn thương hoặc bất thường nào ở chân.