Lý do chưa coi COVID-19 là bệnh lưu hành
Bộ Y tế chỉ đạo: Các tỉnh, thành tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết và dịch bệnh mùa hè
Chỉ có 3 thuốc Vitamin A còn hiệu lực Giấy đăng ký lưu hành, Bộ Y tế đề nghị tăng sản xuất, tìm nguồn cung, nhập khẩu
WHO tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu
Bộ Y tế vừa có văn bản trình Chính phủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, trong đó đề xuất tiếp tục coi COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A và chưa công bố hết dịch, chưa coi COVID-19 là bệnh lưu hành.
COVID-19 vẫn là bệnh truyền nhiễm nhóm A
Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và các văn bản hướng dẫn liên quan, có nhiều quy định khác biệt cần phải điều chỉnh giữa bệnh truyền nhiễm nhóm A và bệnh truyền nhiễm nhóm B. Cụ thể như về giám sát tại cửa khẩu, tại cộng đồng; kiểm soát ra vào vùng có dịch, công bố dịch; phòng tránh lây nhiễm tại cơ sở khám chữa bệnh; cách ly y tế; điều trị miễn phí; vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm và sử dụng vaccine trong tình trạng khẩn cấp.
Biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là dự phòng cá nhân và tiêm vaccine các mũi nhắc lại. Ảnh: HOÀNG LAN
Cạnh đó, việc huy động sự tham gia của chính quyền các cấp, tổ chức, đoàn thể, huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp, người dân sẽ không còn được quan tâm đúng mức. Người dân có thể có tâm lý chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Do đó, Bộ Y tế đề xuất vẫn giữ phân loại COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A nhưng đề xuất từng bước giảm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, áp dụng linh hoạt, phù hợp một số biện pháp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A và một số biện pháp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Tờ trình của Bộ Y tế cũng nhấn mạnh hiện chưa quốc gia nào trên thế giới chính thức công bố COVID-19 là bệnh lưu hành. Ở Việt Nam, mặc dù tình hình dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát nhưng gần đây số ca mắc có xu hướng tăng trở lại, vẫn có ca tử vong, nhiều ca bệnh nặng đang được theo dõi, điều trị… Do vậy, chưa thể coi COVID-19 là bệnh lưu hành mà sẽ chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.
Bảy tháng đầu năm 2022, Việt Nam ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc (chiếm 83,9% tổng số ca mắc), hơn 8,5 triệu người khỏi bệnh (94,5%), gần 11.000 ca tử vong (tỉ lệ 0,1%). Riêng trong tháng 7, ghi nhận hơn 33.000 ca mắc mới, sáu ca tử vong.
Phòng dịch trong tình hình mới
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, có xu hướng gia tăng trở lại ở nước ta và trên thế giới.
“Con số trung bình hơn 2.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày gần đây ở nước ta chưa thực tế, bởi nhiều trường hợp không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên không xét nghiệm hoặc một số trường hợp xét nghiệm dương tính không khai báo y tế. Tại một số bệnh viện tuyến trung ương đã có những bệnh nhân nặng, phải thở máy, đấy là dấu hiệu dịch bùng phát trở lại” - ông Phu nhận định.
Cũng theo ông Phu, các chủng mới của virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh, đặc biệt là BA.4, BA.5. Chưa kể, thế giới đang nới lỏng việc đi lại, một số người chủ quan không đeo khẩu trang, khử khuẩn không gắt gao như trước cũng làm số ca mắc tăng lên. Thêm vào đó, miễn dịch cộng đồng đang giảm. Để phòng tránh tái nhiễm COVID-19, biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là dự phòng cá nhân và tiêm vaccine các mũi nhắc lại.
“Người dân cũng cần áp dụng các biện pháp phòng chống dịch một cách linh hoạt, an toàn và kiểm soát dịch có hiệu quả, nới lỏng nhưng không buông lỏng, đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân, đặc biệt là tiêm phòng vaccine COVID-19 theo đúng quy định của Bộ Y tế” - ông Phu nhấn mạnh, đồng thời cho rằng Bộ Y tế phải đánh giá một cách nghiêm túc dịch bệnh, nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó, tránh gây ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống của người dân.
Dịch bệnh có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào
Theo Bộ Y tế, một bệnh được coi là lưu hành khi: Có sự tồn tại thường xuyên của tác nhân gây bệnh; tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định; tỉ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được.
Tuy nhiên, với COVID-19, hầu hết các nước trên thế giới có số mắc và tử vong chưa ổn định, xu hướng tăng, giảm thay đổi khi có xuất hiện các biến thể mới mà biến thể mới lại liên tục xuất hiện. Đáng lưu ý, miễn dịch chưa có tính ổn định lâu dài và giảm dần theo thời gian, do đó dịch bệnh có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.
Nguồn plo