Khan hiếm huyết thanh kháng nọc độc rắn

Hiện nay, Việt Nam chỉ chủ động sản xuất 2 loại huyết thanh kháng độc rắn lục xanh và hổ đất. Trong khi đó, số nạn nhân bị rắn cắn nhập viện vẫn tăng đều đặn theo từng năm.

Thông tin trên được Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ tại hội nghị quốc tế về bệnh lý nhiễm độc, tổ chức sáng 25/2.

Theo bác sĩ Hùng, trong 10 năm qua, đơn vị Hồi sức chống độc Bệnh viện Chợ Rẫy đã điều trị cho 14.294 trường hợp bị nhiễm độc cấp. Thường gặp nhất là rắn độc cắn, ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tân dược, thực phẩm. Ngoài ra, một nhóm bệnh nhân ngộ độc không rõ tác nhân với tỷ lệ tử vong lại cao. 

Phân tích kỹ hơn, bác sĩ Hùng cho biết số lượng bệnh nhân bị rắn độc cắn gia tăng theo thời gian. Năm 2010-2011, ghi nhận dưới 300 bệnh nhân nhưng năm 2018-2019 tăng hơn 700 ca. Tỷ lệ tử vong chung là 0,5%. 

Nguyên nhân gia tăng có thể là quá trình đô thị hóa gia tăng, làm tăng khả năng tiếp xúc giữa người và động vật hoang dã. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về điều trị rắn độc cắn đã được cải thiện. Nạn nhân đến viện xử trí ngay, thay vì tin vào thầy lang trị rắn cắn như trước đây.

Một trường hợp bị rắn hổ chúa cắn tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: GL.

Theo bác sĩ Hùng, có 8 loài rắn độc cắn người, trong đó 4 loài thường gặp nhất là lục xanh và chàm quạp, hổ mèo, hổ đất. Số bệnh nhân bị rắn hổ chúa và rắn sải cổ đỏ cắn chỉ dưới 5% nhưng tình trạng nhiễm độc nặng, tử vong cao.

Hiện nay, Việt Nam chỉ chủ động sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn lục xanh và rắn hổ đất. Huyết thanh kháng rắn chàm quạp khan hiếm do nhập khẩu khó khăn. Việc này khiến cho số lượng tử vong vì rắn cắn có thể tăng hơn.

Nếu có đầy đủ huyết thanh kháng độc rắn, bệnh nhân có thể khỏi trong vài ngày. Nếu không, người bị rắn độc cắn vẫn được điều trị bằng các biện pháp hồi sức khác nhưng phải "trả giá" bằng 2 tuần thở máy và để lại nhiều biến chứng.

"Do đó, cần nghiên cứu và sản xuất các loại huyết thanh kháng nọc rắn khác để đáp ứng thực tiễn", ông nói.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC), mỗi năm, IVAC sản xuất 15.000 liều huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất và 40.000 liều huyết thanh kháng nọc rắn lục tre.

Năm 2021, quy trình sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn chàm quạp và cạp nia ở quy mô phòng thí nghiệm đã được xây dựng. Cơ quan này đã sản xuất 3 lô thành phẩm và được cấp giấy chứng nhận chất lượng của Viện Kiểm định quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế. 

Hiện nay, IVAC đang thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật thí nghiệm và xây dựng đề cương thử nghiệm lâm sàng. Dự kiến trong năm 2023 -2025, đơn vị này sẽ phối hợp với Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước nghiên cứu nọc rắn.

Phát biểu tại hội nghị, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho hay bệnh lý nhiễm độc ngày càng gia tăng, phức tạp nhưng khả năng xét nghiệm tìm độc chất hay xác định nồng độ độc chất còn rất hạn chế. Nhiều loại thuốc giải độc rất đắt tiền và không có sẵn. 

Bên cạnh đó, chưa có sự kết nối giữa các đơn vị hồi sức cấp cứu chống độc ở các vùng miền, dẫn đến sự hạn chế trong chẩn đoán, điều phối các thuốc hay phương tiện, thuốc chẩn đoán và điều trị nhiễm độc cấp. 

Nghiên cứu khoa học về lĩnh vực bệnh nhiễm độc cũng rất hạn chế; thiếu chuyên gia về hồi sức chống độc, đặc biệt là đối với những bệnh lý nhiễm độc mạn tính có liên quan tới bệnh lý ung thư, xơ gan… do độc chất gần như còn bỏ trống.