Họp khẩn về thiếu thuốc, Thủ tướng yêu cầu sai thì sửa, không để sợ sai không dám làm
Chính phủ ban hành nghị định mới "gỡ nút thắt" về thiếu vật tư y tế
Nguyên nhân khiến Bệnh viện Chợ Rẫy thiếu thiết bị, vật tư y tế nghiêm trọng
Thiếu thuốc, thiếu nhân lực
Chiều 23.6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về tình hình cung ứng thuốc, vật tư y tế và các giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế.
Có tâm lý lo sợ, sợ sai không dám làm
Báo cáo của Bộ Y tế, hiện có tình trạng thiếu thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền…
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư tiêu hao, hóa chất, chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm, một số trang thiết bị y tế chuyên sâu.
Nguyên nhân là do nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm cho phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh càng trở nên khó khăn hơn.
Đáng chú ý có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, không dám làm, không dám mua sắm của một số địa phương và đơn vị.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Y tế đã chủ động đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá thuốc; đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá trang thiết bị y tế... Ngoài ra còn có tình trạng thôi việc, nghỉ việc của nhân lực ngành y tế trong khu vực công.
Trên cơ sở báo cáo và phát biểu thảo luận của các bộ, ngành, thành viên Thường trực Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế là vấn đề nghiêm trọng, đang diễn ra tại nhiều nơi, khiến người dân lo lắng.
Chính phủ đã nắm được qua các báo cáo, phản ánh của người dân, các cơ quan báo chí và đã nhiều lần chỉ đạo Bộ Y tế thống kê, đánh giá một cách khoa học, thực tiễn, khách quan, trung thực và có hướng khắc phục kịp thời. Thủ tướng cũng đã giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo xử lý vấn đề này.
Trước tình hình còn nghiêm trọng, cuộc họp hôm nay tiếp tục đánh giá sát tình hình, diễn biến, phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, thảo luận các giải pháp, thúc đẩy các công việc. Thủ tướng đề nghị các bộ ngành địa phương phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm để quyết liệt khắc phục tình trạng này, tất cả vì sức khoẻ, tính mạng của người dân.
"Ngành y tế cần nhanh chóng kiện toàn các chức danh, rà soát các quy định để làm tốt hơn, tránh tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám làm. Tình hình càng khó khăn, càng phức tạp thì càng phải bình tĩnh, giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau để cùng nhau xử lý", Thủ tướng nói.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ đã và đang chỉ đạo Bộ Y tế khắc phục tình trạng này kịp thời, hiệu quả.
Trong đó với công tác phòng chống dịch, cần đánh giá miễn dịch cộng đồng để tiếp tục tiêm chủng khi vừa qua có hiện tượng lơ là, chủ quan, không tiêm vắc xin. Đặc biệt cần tập trung tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, kể cả nghiên cứu tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi, để học sinh đến trường an toàn.
Đồng thời, cần cảnh giác dịch bệnh mùa như sốt xuất huyết, tay chân miệng, bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho người dân trong khám chữa các bệnh ung thư, tim mạch, xương khớp, tiêu hóa… chứ không chỉ chống dịch COVID-19.
Hoàn thiện quy định pháp lý để khắc phục thiếu thuốc
Thủ tướng đề nghị phải coi trọng các loại thuốc chữa bệnh khác, các vật tư y tế, các phương tiện, thiết bị để tăng cường năng lực y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở.
Cần chỉ ra nguyên nhân của việc thiếu thuốc, vật tư y tế, do yếu tố chủ quan là đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhưng Thủ tướng nhấn mạnh yếu tố chủ quan vẫn là chủ yếu, là trách nhiệm của Bộ Y tế.
Thủ tướng nhấn mạnh đến vấn đề mấu chốt là động cơ trong sáng, vô tư, minh bạch vì mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân với tinh thần trách nhiệm cao nhất, nên đề nghị các bộ, ngành rà soát tổng thể quy định hiện hành có liên quan mua sắm thiết bị, thuốc, vật tư y tế, chủ động, tích cực xử lý.
Bao gồm rà soát lại, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về đấu thầu tập trung cả ở trung ương, địa phương trên tinh thần công khai, minh bạch, khách quan, rõ ràng, không được tiêu cực, tham nhũng. Bảo đảm cung ứng thuốc đầy đủ cho các cơ sở y tế, trước mắt là thuốc theo diện bảo hiểm y tế.
Tăng cường quản lý về dược để không chậm trễ trong công tác cấp phép thuốc, đơn giản hóa thủ tục. Có kế hoạch dài hạn để chủ động, góp phần giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm thuốc. Đẩy mạnh phân cấp, mua sắm các trang thiết bị y tế, nâng cao năng lực quản lý cấp dưới đi đôi tăng cường giám sát, kiểm tra.
Có nhiều chính sách cho nhân lực y tế
Thủ tướng yêu cầu các bộ liên quan rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định về bố trí số người làm việc trong ngành y tế. Đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ y tế, nhất là y tế cơ sở, thu hút tư nhân, củng cố hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở theo hướng trung tâm y tế cấp huyện đa chức năng, quản lý toàn diện, xây dựng khung pháp lý rõ ràng về hợp tác công tư.
Sửa đổi quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề cho công chức, viên chức ngành y tế, phù hợp với chính sách tiền lương. Bộ Y tế nắm lại tình trạng một bộ phận cán bộ, nhân viên thôi việc để từ đó có giải pháp xử lý.
Thủ tướng cũng đồng ý chủ trương cho phép Bộ Y tế xây dựng phương án tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế, tăng nguồn thu cho các đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở bảo đảm tính khoa học, thực tiễn.
Theo Tuổi trẻ