Hơn 10 triệu người Việt Nam bị rối nhiễu tâm trí
Thông tin được đưa ra tại hội thảo khoa học Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng với trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí do Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam phối hợp Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội tổ chức sáng 19/12.
Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên (chiếm 6,5% dân số), trong đó khoảng một triệu người tự kỷ. Tỷ lệ trẻ em mắc chứng tự kỷ ước tính là 1% số trẻ sinh ra.
Bên cạnh đó, nhiều người mắc phải bệnh rối nhiễu tâm trí. Thống kê trên thế giới có 15-20% dân số đang mắc một hay nhiều rối nhiễu tâm trí.
Bà Trần Thị Lan, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, cho hay hiện nay, tại Việt Nam, số người bị rối nhiễu tâm trí ước tính khoảng 10,5% dân số, tương đương 10,3 triệu người. Trong đó, số người tâm thần nặng ước tính 2,5% số người rối nhiễu tâm trí, tương đương 200.000 người.
“Các dạng bệnh tâm thần và rối nhiễu tâm trí thường gặp như tâm thần phân liệt, chứng động kinh, trầm cảm, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật thần kinh, tổn thương não, lạm dụng rượu, nghiện ma túy…”, bà Lan nói.
Theo đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), năm 2020, số người sống chung với rối loạn lo âu và trầm cảm đã tăng lên đáng kể vì đại dịch Covid-19, ước tính hơn 25% trong năm đầu tiên của đại dịch và làm dấy lên lo ngại về tình trạng gia tăng các ca tự tử.
"Tuy nhiên, chưa đến 1/3 người bị rối loạn tâm thần và chỉ 1/3 số người bị trầm cảm được chăm sóc sức khỏe tâm thần chính thức", đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh thông tin.
Nhiều khó khăn trong chẩn đoán, điều trị tự kỷ, rối nhiễu tâm lý
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng thực tế người bị rối nhiễu tâm trí do những biểu hiện bệnh không rõ ràng, nên thường không được phát hiện kịp thời, đặc biệt ở trẻ em, phụ nữ mang thai hay sau sinh. Thậm chí, chính người bệnh cũng không nhận ra tình trạng của mình, gây khó khăn cho công tác điều trị, phục hồi.
Công tác chăm sóc, trợ giúp phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí còn nhiều khó khăn, hạn chế. Số trẻ được chẩn đoán tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí ngày càng tăng, độ tuổi chẩn đoán ngày càng nhỏ trong khi việc phát hiện sớm còn nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, nơi thăm khám và điều trị chỉ có ở các thành phố lớn. Những khu vực vùng sâu, vùng xa khó khăn còn ít.
Đến nay, 45 cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, trong đó có 26 cơ sở chăm sóc chuyên biệt, 19 cơ sở tổng hợp.
Các cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện việc chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí đang rất thiếu về số lượng, thiếu các trang thiết bị phục hồi chức năng. Ngoài ra, cán bộ, nhân viên công tác xã hội làm việc tại cộng đồng và trong các cơ sở chăm sóc trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí còn thiếu.
Trong mạng lưới y tế, nhân lực về phục hồi chức năng của Việt Nam chỉ mới đáp ứng 50% mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, 40% tổng nhu cầu của người dân.