Hậu quả khi trẻ thừa cân, béo phì
Thừa cân, béo phì không chỉ hạn chế sự vận động mà còn tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật, ảnh hưởng đến sức khỏe và khiến trẻ tự ti khi giao tiếp.
Đông Nam Á cảnh giác với nguy cơ COVID-19 lan rộng
Nguy cơ ung thư từ căn bệnh dạ dày, thực quản phổ biến ở Việt Nam
Vì sao người nhiễm virus Marburg có nguy cơ tử vong cao?
Tích cực cho trẻ vận động, chơi thể thao sẽ giảm tình trạng thừa cân, béo phì
Nguy cơ bệnh tật
Cháu P.L.G.H. sinh năm 2014, ở xã Cộng Lạc (Tứ Kỳ) cao chưa đầy 1,2 m nhưng đã nặng 37 kg. Nhìn cháu khá mập mạp, chân tay mũm mĩm, khuôn mặt tròn. Chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể, tính từ chiều cao, cân nặng) của cháu gần 28 nằm trong mức có dấu hiệu béo phì.
Theo chị L.T.T.H., mẹ cháu G.H., dù chị đã hạn chế cho cháu ăn các đồ ngọt như bánh kẹo, kem hay các loại thức ăn nhanh như gà rán, khoai tây chiên, ăn ít tinh bột, tăng cường ăn rau xanh, hoa quả… nhưng cháu cũng không giảm được cân. So với các bạn cùng trang lứa, G.H. cũng thấp hơn. “Cháu vận động, chạy nhảy được một lúc là mệt, đi bộ cũng chậm hơn so với các bạn. Nhiều khi cháu cũng mặc cảm về cơ thể nên không thích chỗ đông người, ngại giao tiếp với bạn bè, thầy cô”, chị H. nói.
Còn chị P.T.N.T. ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương) cho biết con chị ở mức thừa cân, thỉnh thoảng cháu có kêu đau chân, ngại vận động. "So với các bạn cùng tuổi, cơ thể cháu khá mập, tôi biết cháu có dấu hiệu thừa cân", chị T. nói.
Theo chị Lê Thị Xuê, Trưởng Khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), sau dịch Covid-19, tỷ lệ trẻ em đến khám về thừa cân, có dấu hiệu béo phì và béo phì nhiều hơn trước đây, tuy nhiên đơn vị không thống kê số liệu cụ thể. Thừa cân, béo phì gây ra nhiều trở ngại trong sinh hoạt, giao tiếp của trẻ. Trẻ em béo chạy nhảy, vận động không linh hoạt, nhanh mệt hơn những bạn khác. Nếu trẻ nhỏ thừa cân quá mức sẽ dẫn đến tiểu đường, các bệnh về tim mạch. Đối với trẻ dưới 1 tuổi, có nguy cơ gây ra ngừng thở trong lúc ngủ nếu bố mẹ không quan tâm, để ý đến con.
Điều chỉnh dinh dưỡng phù hợp
Nguyên nhân dẫn đến gia tăng trẻ em thừa cân, béo phì do đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, trẻ được bổ sung nhiều chất dinh dưỡng, ăn uống nhiều hơn nhu cầu bình thường. Trẻ ở thành phố còn ăn nhiều thức ăn nhanh như gà rán, khoai tây chiên, xúc xích... nên tỷ lệ thừa cân, béo phì cũng cao hơn các khu vực khác. Trẻ không ăn đa dạng thực phẩm và chỉ tập trung vào một số loại nhất định. 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các em nghỉ ở nhà dài, không được đến trường dẫn đến hạn chế vận động. Khi ở nhà nhiều, trẻ cũng ăn uống nhiều hơn dẫn đến tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng lên...
Để khắc phục tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ, ngay từ khi mang thai, người mẹ phải kiểm soát được cân nặng của thai nhi. Khi trẻ sinh ra cần được ăn đầy đủ các dưỡng chất, vi chất và đa dạng các loại thực phẩm, không nên chỉ ăn một vài loại. Với trẻ đã bị béo phì, trừ những trường hợp quá mức, cha mẹ không nên giảm khẩu phần ăn của con, bởi các cháu đang trong độ tuổi phát triển cần bổ sung nhiều dinh dưỡng. Tuy nhiên, cha mẹ cần thay đổi những thói quen không lành mạnh của con. Tăng cường cho con ăn rau xanh, hoa quả, không ăn đồ ăn nhanh, đồ chiên, rán. Tích cực cho trẻ vận động, chơi thể thao.
Anh Phạm Phi Tú, một người hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở phố Vũ Như Tô (TP Hải Dương) cho biết để chăm sóc sức khỏe nói chung và sức khỏe của trẻ nói riêng cần chú ý các yếu tố dinh dưỡng, vận động và nước. Nếu các yếu tố này không bảo đảm thì sẽ dẫn đến cơ thể mất cân bằng dinh dưỡng, còi cọc hoặc béo phì. Vì thế, tùy từng trường hợp để điều chỉnh cho phù hợp.
THANH HÀ