Hai thói quen khiến nhiều nam giới Việt hoại tử chỏm xương đùi từ trẻ
Bác sĩ Trần Hoàng Tùng, Phó trưởng khoa Phẫu thuật chi dưới, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), cho biết gần đây các bác sĩ thường tiếp nhận nhiều bệnh nhân từ 16 tới 40 tuổi gặp những tổn thương nặng, nhiều di chứng ở cơ quan vận động - bệnh tưởng chỉ gặp ở độ tuổi già.
Trong số đó, nhiều bệnh nhân bị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi (phần quan trọng nhất của khớp háng). Đây là tổn thương hoại tử tế bào xương và tủy xương do thiếu máu nuôi dưỡng lên chỏm xương đùi không do nguyên nhân nhiễm trùng hay chấn thương.
Theo bác sĩ Tùng, bệnh hay gặp ở độ tuổi từ 30 tới 50 tuổi. Tuy nhiên, gần đây số lượng bệnh nhân mắc bệnh này ngày càng nhiều, tuổi ngày càng trẻ, dẫn đến hỏng khớp háng ở các mức độ khác nhau. Nhiều trường hợp buộc phải thay khớp háng nhân tạo.
"Tuy nhiên tuổi thọ của khớp háng nhân tạo chỉ quanh quẩn 10-15 năm nên với người phải thay khớp háng đang ở độ tuổi lao động (18-40 tuổi), do nhu cầu vận động lớn, khớp háng nhân tạo bị mài mòn nhanh, bệnh nhân sẽ nhanh chóng phải thay lại khớp háng lần 2, 3" - bác sĩ Tùng cho hay.
Đáng nói, những lần thay lại khớp háng về sau sẽ khó hơn, thêm nhiều biến chứng như thủng ổ cối, gẫy xương đùi, trật khớp háng hay tử vong, trong khi chi phí rất lớn.
Phát hiện mới về nguyên nhân nhiều người trẻ bị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi
Theo vị bác sĩ, có nhiều nguyên nhân hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi, gây hỏng khớp háng. Đó là hậu quả của chấn thương, mắc các bệnh mạn tính (viêm đa khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống...), hay dùng thuốc corticoid kéo dài.
Tuy nhiên, một nghiên cứu trong 5 năm (2017 - 2022) cho thấy, lạm dụng rượu và thuốc lá cũng là yếu tố nguy cơ cao tác động đến bệnh lý này.
Nghiên cứu được thực hiện ở 67 bệnh nhân dưới 40 tuổi phải thay khớp háng nhân tạo tại Khoa Phẫu thuật chi dưới (Bệnh viện Việt Đức). Các bệnh nhân này không gồm những người mắc các bệnh lý mạn tính như lupus, viêm đa khớp..., hoặc người gặp các bệnh lý, tổn thương khớp háng có chỉ định thay. Bệnh nhân đã dùng thuốc corticoid trước khi có biểu hiện đau vùng khớp háng cũng được loại trừ, không trong diện nghiên cứu.
Người nhỏ tuổi nhất tham gia nghiên cứu là thanh niên 21 tuổi, lớn tuổi nhất là 40. Trong số này, 94% là nam giới. 100% bệnh nhân đến viện đều có triệu chứng đau.
Theo đó, 85% bệnh nhân bị hoại tử chỏm xương đùi uống rượu thường xuyên và thường bị cả hai bên khớp háng (78%), cao hơn nhiều so với người không uống rượu. Nếu thường xuyên kèm theo hút thuốc lá, tỷ lệ này sẽ tăng lên.
Cụ thể, hơn 43% bệnh nhân uống rượu ở mức hơn 1.333ml mỗi tuần. Lượng rượu sử dụng trung bình là 1,2 lít/tuần, chủ yếu là rượu trắng (loại rượu thường có nồng độ cồn 30%).
Phân tích cho thấy tỉ lệ bệnh nhân hút thuốc lá chiếm gần 50%. Trong số những người hút thuốc, tỷ lệ bị tổn thương khớp háng cả hai bên lên tới 80%, cao hơn nhiều so với người không hút.
"Trong nghiên cứu, tất cả bệnh nhân hút thuốc đều uống rượu, 88% người trong số họ có tổn thương 2 bên khớp háng, cao hơn rất nhiều so với số bệnh nhân không đồng thời sử dụng cả rượu và thuốc lá (56%), và cao hơn so với số bệnh nhân chỉ dùng rượu hoặc thuốc lá đơn thuần", nghiên cứu chỉ ra.
Theo bác sĩ Tùng, điều này nói lên rượu và thuốc lá là yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến toàn thân, ảnh hưởng đến bệnh hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi và gây tổn thương khớp háng tiến triển ở cả hai bên.