Gần 20 ngày căng thẳng cứu thiếu niên 13 tuổi bị trụy tim mạch

Bệnh nhi 13 tuổi nhập viện khi đã tím tái, rối loạn nhịp, ngưng tim. Nếu không có máy ECMO (tim phổi nhân tạo), tỷ lệ tử vong ở trường hợp này là gần 100%.

Chia sẻ với VietNamNet, Phó giáo sư, bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết bệnh nhi nhập viện từ mùng 3 Tết trong tình trạng nguy kịch.

Bệnh nhi là em N.Q.B, 13 tuổi, tạm trú tại TP.HCM. Trước khi nhập viện, B. xuất hiện triệu chứng đau ngực, khó thở, hồi hộp, đánh trống ngực ngày càng tăng. Em nhập Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) khi đã tím môi, trụy tim mạch, rối loạn nhịp, được chẩn đoán bị viêm cơ tim cấp

Các bác sĩ đặt nội khí quản, dùng 3 loại thuốc vận mạch trợ tim, chống loạn nhịp và sốc điện nhưng tình trạng sức khỏe của bệnh nhi không cải thiện. Em được chuyển ngay đến Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM vào 10h ngày 24/1 (mùng 3 Tết Quý Mão).

Bệnh nhi viêm cơ tim tối cấp bị trụy tim mạch, rối loạn nhịp, ngưng tim. Ảnh: BSCC

Tại đây, B. tím môi, rối loạn nhịp thất, tim co bóp yếu dần rồi ngưng tim. Ngay lập tức, báo động đỏ được kích hoạt. Các bác sĩ Khoa Cấp cứu nhanh chóng giúp thở, xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Bác sĩ Khoa Tim mạch đặt máy tạo nhịp tạm thời để duy trì nhịp tim cho em.

Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực được huy động, chạy đua với thời gian, chuẩn bị các dụng cụ cần thiết thực hiện kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) cho bệnh nhi. Để bảo vệ não và điều trị tổn thương gan thận, bác sĩ đã tiến hành hạ thân nhiệt và lọc máu liên tục cho em. 

Sau khoảng 15 phút, bệnh nhi từ tình trạng tím tái, trụy tim mạch đã hồng hào trở lại. Tuy nhiên, trong suốt 1 tuần, tim đập rất yếu kèm loạn nhịp liên tục. Bác sĩ phải dùng thuốc trợ tim, chống loạn nhịp. Trải qua gần 12 ngày chạy ECMO, tình trạng sức khỏe của B. cải thiện dần, cai ECMO vào ngày 6/2.

Hiện tại, bệnh nhi tỉnh táo, hồng hào, ăn uống được và chuẩn bị được xuất hiện. Em cũng được Phòng Công tác Xã hội hỗ trợ chi phí điều trị do hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.

Theo bác sĩ Quang, viêm cơ tim cấp thường do virus gây ra, phổ biến là virus Coxsackie nhóm B. Các triệu chứng của viêm cơ tim cấp thường không điển hình. Khởi đầu, bệnh nhân có các triệu chứng giống cảm cúm như sốt nhẹ, mệt mỏi, ho, sổ mũi hoặc có triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, nôn. 

Trường hợp viêm cơ tim cấp nặng, trẻ xuất hiện các triệu chứng mệt, ngất, khó thở, đau ngực, tím tái, tay chân lạnh, rối loạn nhịp tim, trụy tim mạch. Trẻ bị viêm cơ tim nhẹ thường chỉ theo dõi, điều trị triệu chứng, khỏi bệnh sau 1-2 tuần. Tuy nhiên, trường hợp nặng sẽ phải hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc trợ tim, thuốc vận mạch, thuốc chống loạn nhịp tim, đặt máy tạo nhịp nếu cần thiết.

Tỷ lệ tử vong do viêm cơ tim cấp nặng rất cao, khoảng 30-40%. Trước khi có ECMO, tỷ lệ tử vong của viêm cơ tim tối cấp là gần 100%. Do đó, khi có các dấu hiệu nghi ngờ, cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

“Với kỹ thuật ECMO, chúng ta có thể hy vọng cứu sống nhiều ca viêm cơ tim tối cấp mà trước đây hầu hết là tử vong”, bác sĩ Quang chia sẻ.