Đột ngột ngừng tim khi đang chơi bóng chuyền

Khi đang chơi bóng chuyền ở gần Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, người đàn ông 56 tuổi đột ngột kêu đau ngực và gục xuống. Đồng đội chơi cùng phát hiện ông bị ngừng tim.

Theo thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nam bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh, thường xuyên hút thuốc lá. Ông được đưa vào khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực trong tình trạng hôn mê, ngừng tim.

Ê-kíp trực nhanh chóng triển khai nhóm hồi sinh tim phổi chất lượng cao, thực hiện ép tim, sốc điện, đặt ống nội khí quản, dùng thuốc chống loạn nhịp cho bệnh nhân.

Sau 15 phút, bệnh nhân có mạch trở lại và nhịp tự thở. Bệnh nhân được đánh giá huyết động, ghi điện tim, siêu âm tim cấp tại giường. Kết quả cho thấy đây là trường hợp điển hình bị nhồi máu cơ tim cấp.

Vì vậy, bác sĩ tim mạch đã hội chẩn khẩn cấp, thống nhất chỉ định can thiệp mạch vành cấp cứu cho bệnh nhân. Sau 20 phút, bệnh nhân được lên phòng can thiệp mạch. Thủ phạm gây ra ngừng tuần hoàn là huyết khối gây tắc động mạch vành trái LAD được tái thông.

Sau can thiệp, bệnh nhân được chuyển về phòng hồi sức tích cực. Các bác sĩ tiến hành hạ thân nhiệt đến 33 độ C để bảo vệ não, song song với kiểm soát huyết động tối đa cho bệnh nhân. Sau 2 ngày, ý thức bệnh nhân có dấu hiệu phục hồi. Đến ngày 22/12, bệnh nhân tỉnh, có thể gọi điện nói chuyện với người nhà.

Bệnh nhân được thầy thuốc ép tim, sốc điện... Ảnh cắt từ clip của viện.

Theo một nghiên cứu đa trung tâm của các bác sĩ khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực của bệnh viện, nếu một người ở Hà Nội bị ngừng tuần hoàn ngoại viện, cơ hội sống sót quay lại với cuộc sống hàng ngày chỉ 0,4%. Tuy nhiên, chỉ trong tháng 12, các bác sĩ đã cứu sống 2 bệnh nhân ngừng tuần hoàn trước khi đến khoa. Nam bệnh nhân 56 tuổi là một trong số đó.

Theo các bác sĩ, trường hợp này được cứu sống trong tích tắc do nhiều yếu tố, trong đó, cấp cứu ngoại viện là điều quan trọng đầu tiên. Việc phát hiện kịp thời, tiến hành ép tim không chỉ mang lại cơ hội sống cho bệnh nhân mà còn giúp cho não của bệnh nhân được tưới máu dù với lưu lượng tối thiểu.

Thực tế, nếu chỉ 5 phút không được ép tim, hầu như não của bệnh nhân tổn thương không hồi phục. Một số trường hợp được cứu sống nhưng di chứng nặng nề, sống thực vật suốt đời.

Tuy nhiên, hệ thống cấp cứu trước khi vào viện ở Việt Nam cũng như ở các nước có thu nhập thấp vẫn còn rất nhiều hạn chế. Vì vậy, hầu hết bệnh nhân ngừng tuần hoàn ngoại viện không được ép tim trước khi đến cơ sở y tế, dẫn đến tỷ lệ sống sót rất thấp.

Hai yếu tố khác giúp nâng cao tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ngừng tuần hoàn ngoại viện được đề cập là hồi sinh tim phổi chất lượng cao tại đơn vị cấp cứu và hồi sức sau ngừng tuần hoàn.

Thuốc lá - kẻ thù số một của mạch máu, trong đó có mạch vành

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quân, Khoa Cấp cứu Nội - Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), cho biết gần đây, số lượng người trẻ tuổi bị nhồi máu cơ tim tăng cao, có ca chỉ 28 tuổi. Trong khi 10 năm trước, nhồi máu cơ tim thường chỉ xảy ra ở tuổi trung niên (40-50 tuổi). Các bệnh nhân đều hút hoặc nghiện thuốc lá. 

Theo bác sĩ Quân, hút thuốc lá nhiều gây xơ vữa mạch mạn tính, không chỉ mạch vành mà tất cả các mạch máu trong cơ thể. Điều đó sẽ hình thành các mảng xơ vữa và dần dần hẹp lại. Bệnh nhân sẽ có đợt cấp như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não. 

Đáng lưu ý, với những bệnh nhân được cấp cứu, cơn nguy kịch có thể qua đi, nhưng nếu vẫn hút thuốc, nguy cơ tái phát nhồi máu cơ tim rất lớn. Bác sĩ khuyên người dân bỏ thuốc lá, giảm nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.