Đến viện cấp cứu với chiếc chân đứt lìa bọc trong thùng đá
Ngày 22/10, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết tình trạng sức khoẻ chiếc chân của ông Bình (53 tuổi, đã đổi tên) sau khi được nối có kết quả tốt.
Hơn một năm trước, đang lao động, ông Bình bị máy cưa cắt đứt lìa 1/3 dưới đùi bên phải. Ngay sau đó 30 phút người bệnh được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cùng với chiếc chân bên phải bị cắt lìa bảo quản trong thùng đá.
Các bác sĩ khẩn trương cấp cứu, hồi sức cho người bệnh. Ca phẫu thuật nối chân cho ông kéo dài 3,5 giờ.
ThS BS Vũ Văn Bộ - Khoa chấn thương chỉnh hình, người trực tiếp tham gia ca phẫu thuật - cho hay sau 14 tháng phẫu thuật, mới đây ông Bình tái khám tại bệnh viện. Chân bên phải gấp duỗi được đầu gối; bàn, ngón chân đã có cảm giác trở lại; cơ của vùng mặt sau cẳng chân cũng dần được phục hồi và có thể tự đi lại được nhẹ nhàng.
Ông cho hay vì điều kiện gia đình khó khăn, ông chỉ điều trị được một thời gian ngắn tại bệnh viện, chủ yếu là tự tập luyện tại nhà, việc phục hồi sẽ lâu hơn. Bác sĩ động viên ông tiếp tục tập luyện, giữ gìn vệ sinh bàn chân, cẳng chân, tránh viêm nhiễm, hy vọng trong thời gian tới các chức năng của chân phải sẽ dần hồi phục.
Các bác sĩ cho biết, an toàn lao động cần được đặt lên hàng đầu. Người dân cần phải trang bị đầy đủ những kiến thức về an toàn lao động.
Bác sỹ Hoàng Mạnh Vững, Bệnh viện 108 (Hà Nội), cho biết thời gian chịu đựng sự thiếu máu nuôi của mỗi loại mô một khác, ngắn nhất là bắp thịt (chỉ trong 2 giờ ở nhiệt độ trên 20 độ C). Trong môi trường lạnh (dưới 10 độ C), thời gian chịu đựng sẽ tăng lên tới 4-6 giờ. Do đó, bảo quản chi đứt lìa ở môi trường lạnh là phương pháp đơn giản nhất để duy trì sự sống cho tổ chức mô.
Thời gian lý tưởng để nối chi thể bị đứt rời là 6 giờ tính từ lúc bị đứt đến lúc các bác sĩ khôi phục được tuần hoàn cho phần chi thể đứt rời.
Nếu gặp trường hợp đứt lìa tay chi thể, bệnh nhân cần phải làm sạch vết thương, nước muối sinh lý nếu có, quấn băng hoặc vải sạch quanh phần đứt lìa rồi cho vào túi nhựa mỏng, buộc miệng túi lại và bảo quản trong môi trường lạnh phần chi đứt lìa.
Nếu bộ phận cơ thể chưa đứt lìa hoàn toàn mà vẫn còn dính lại trên da, không nên cắt rời, kể cả trường hợp gần như đứt hoàn toàn. Thay vào đó, nên dùng dùng gạc băng lại, đặt túi đá bên cạnh để giữ nhiệt, tránh đặt đá trực tiếp lên vết thương.
Sau đó, cần chuyển gấp bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, càng sớm càng tốt. Nếu phần chi được bảo quản đúng và tiến hành phẫu thuật sớm thì tỉ lệ thành công sau mổ sẽ cao hơn.