Ca ghép tạng đã đưa lá phổi của một nạn nhân bị chết não vào cơ thể của người đàn ông được tiên lượng “chỉ còn sống không quá 2 tháng”.
Đề xuất tích hợp đăng ký hiến tạng trên bằng lái xe, căn cước công dân
Tích hợp đăng ký hiến tạng lên CCCD để tăng lượng người đăng ký
Tại Hội thảo khoa học về đăng ký hiến và phòng, chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người, ngày 6/2 tại Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, đưa ra ý kiến về việc tích hợp đăng ký hiến tạng qua bằng lái xe và căn cước công dân (CCCD).
Theo ông Phúc, việc này sẽ giúp tăng lượng người đăng ký hiến tạng lên nhiều lần. Theo đó, mọi công dân khi đến tuổi trưởng thành đều được tiếp cận với việc hiến tạng.
Khi người dân thi bằng lái xe hoặc làm CCCD sẽ được hỏi về việc có đồng ý hiến tạng hay không. Nếu người trưởng thành đồng ý hiến tặng sẽ được tích hợp thông tin bằng hình ảnh biểu tượng hoặc chữ hiến tạng (hoặc cả hai) trên bằng lái xe hoặc CCCD tạo hình ảnh nhân văn.
Bên cạnh đó, việc tích hợp cũng thuận lợi xác định tâm nguyện người hiến tạng chết não (trong các trường hợp tai nạn giao thông hoặc các hoàn cảnh khác có liên quan). Giúp tăng nguồn hiến tạng mô, tạng từ người chết não; hạn chế tệ nạn mua bán tạng từ người hiến sống.
Đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an, cho hay, đến nay toàn quốc đã cấp hơn 76 triệu thẻ CCCD gắn chip điện tử cho công dân.
Bộ Công an đang lập hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật CCCD (sửa đổi), có nội dung liên quan đến việc bổ sung quy định về tích hợp thông tin công dân như thẻ BHYT, sổ BHXH, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn…
Đối với việc triển khai tích hợp thẻ đăng ký mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác vào CCCD gắn chíp, để triển khai tích hợp tương tự như tích hợp, sử dụng thẻ CCCD gắn chíp thay thế các thông tin khác.
Theo đại diện Bộ Công an, để triển khai tích hợp thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác vào CCCD gắn chíp, đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan của Bộ Y tế và Bộ Công an tham mưu, báo cáo để thống nhất thực hiện đúng quy định.
Thủ đoạn mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người ngày càng tinh vi
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế GS.TS Trần Văn Thuấn thông tin thêm, qua 15 năm thi hành luật cho người ghép mô, bộ phận cơ thể người đã đem đến cơ hội sống cho hàng nghìn bệnh nhân.
Tính đến 31/12/2022, cả nước có 63.552 trường hợp đăng ký hiến sau khi chết, chết não và đã thực hiện ghép được 8 loại bộ phận cơ thể người với 7.297 ca ghép tạng. Trong đó, số người được ghép thận nhiều nhất với hơn 6.000 người, tiếp đó là ghép gan, tim, phổi, tụy, ruột.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng cho hay, hiện nay, thực trạng nhu cầu ghép mô, bộ phận cơ thể người ở Việt Nam rất lớn, ngày một tăng, trong khi nguồn hiến lại khan hiếm.
"Nguồn tạng hiến từ người cho sống lại đang chiếm chủ yếu với hơn 90% tổng số ca ghép tạng. Vì vậy bên cạnh các hoạt động hợp pháp cũng đã nảy sinh các hành vi mua bán, môi giới mô, bộ phận cơ thể người, để lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội”, Thứ trưởng nói.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, để hạn chế tình trạng mua bán tạng, cần tiếp tục tăng cường truyền thông để người dân hiểu được ý nghĩa của việc hiến tạng và việc mua bán tạng là phạm pháp cần có cơ chế quản lý chặt chẽ để người hiến và người có nhu cầu hạn chế giao tiếp trực tiếp.
Đặc biệt, giai đoạn hiện nay các đối tượng lợi dụng các diễn đàn, mạng xã hội đã nhanh chóng tiếp cận được người có nhu cầu mua và người bán một cách bí mật. Đối tượng chủ mưu, cầm đầu không trực tiếp tham gia tiếp cận bị hại, người mua mà qua hệ thống "chân rết" để tiếp cận, hướng dẫn, yêu cầu gia đình bị hại viết giấy tờ, đơn xin được hiến bộ phận cơ thể.
Các đối tượng chủ yếu nhắm đến những bộ phận cơ thể người như: thận, gan, võng mạc…
Trong đó, thận là phổ biến nhất với thủ đoạn tập trung tại các bệnh viện tiếp cận, làm quen với những người mắc bệnh thận, suy thận cần phải có thận để ghép.
Nhiều người suy thận độ cao có nguy cơ tử vong, họ sẵn sàng trả tiền khoảng 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng tùy theo chi phí xét nghiệm và thỏa thuận với người bán.
Sau khi có bên mua và bên bán, đối tượng tổ chức sắp xếp hai bên gặp nhau thỏa thuận giá cả mua bán thận, đồng thời hỗ trợ, tổ chức đưa người bán và người mua thận đi xét nghiệm.
Nhiều đối tượng còn lập lên hội, nhóm mua bán thận, ghép thận trên các trang mạng xã hội để tập hợp những người có nhu cầu bán thận và tổ chức nuôi tại các khu nhà trọ, nhà thuê để chờ bán thận.
Trước tình trạng buôn bán tạng ở nước ta có xu hướng gia tăng và diễn biến ngày càng nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đề xuất rà soát, bổ sung các hành vi nghiêm cấm liên quan đến mua bán mô, bộ phận cơ thể người trong bộ Luật Hình sự.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý Nhà nước và phối hợp liên ngành trong phòng chống mua bán bộ phận cơ thể người. Đồng thời chỉnh sửa các tiêu chuẩn về chết não cho phù hợp quy trình, đảm bảo tính khả thi…