Đề nghị thành lập trung tâm mua sắm tập trung
Trong 4 ngày, Sở Y tế TP.HCM xử phạt 11 cá nhân, cơ sở khám chữa bệnh
Trong 4 ngày, Sở Y tế TP.HCM xử phạt 11 cá nhân, cơ sở khám chữa bệnh
Vụ gia đình tố bệnh viện tắc trách khiến bé 3 tuổi tử vong: Sở Y tế Quảng Ngãi nói gì?
Người dân lãnh thuốc BHYT tại một bệnh viện. (Ảnh minh hoạ: Tâm Giang)
“Hiện nay trên địa bàn tỉnh, từ bệnh viện tuyến tỉnh cho đến các trạm y tế phường, xã tại nhiều nơi đang rơi vào tình trạng thiếu nhiều loại thuốc điều trị, ảnh hưởng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đặc biệt là đối với thuốc thuộc bảo hiểm y tế. Với vai trò là cơ quan quản lý ngành Y tế, đề nghị Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết giải pháp của ngành trong việc khắc phục tình trạng này trong thời gian tới”- đại biểu nêu chất vấn tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khoá X nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, hiện nay, từ bệnh viện tuyến tỉnh cho đến các trạm y tế phường, xã, nhiều nơi có xảy ra tình trạng thiếu thuốc điều trị, ảnh hưởng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đặc biệt là đối với thuốc bảo hiểm y tế. Tình trạng thiếu thuốc được cho là do đấu thầu thuốc chậm trễ (danh mục thuốc mua sắm tập trung cấp quốc gia các đơn vị đề xuất nhu cầu từ tháng 12.2020 nhưng đến nay chưa có kết quả; danh mục thuốc mua sắm tập trung cấp địa phương Sở Y tế đang thực hiện, dự kiến khoảng 5 tháng nữa mới có kết quả).
Để không làm gián đoạn việc khám, chữa bệnh và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế công lập đấu thầu thuốc để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong khi chờ kết quả mua sắm tập trung. Kết quả, có 10 cơ sở y tế gửi hồ sơ trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KHLCNT) để Sở Y tế thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt, bao gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế các huyện Tân Châu, Bến Cầu, Gò Dầu, Dương Minh Châu, Tân Biên, TP. Tây Ninh và thị xã Hoà Thành, Trảng Bàng. Đến nay, Sở Y tế đã thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt KHLCNT của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đấu thầu thuốc chậm trễ. Đối với đấu thầu tập trung cấp địa phương, năng lực và nguồn nhân lực hiện có của Sở Y tế không bảo đảm để tổ chức thực hiện đấu thầu tập trung. Sở Y tế (là đơn vị mua sắm tập trung thuốc kiêm nhiệm) vừa tổ chức lựa chọn nhà thầu, thẩm định (danh mục thuốc, KHLCNT, hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu), vừa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu với gói thầu quy mô lớn sẽ không khách quan và khả thi trong các khâu tổ chức.
Hoạt động phối kết hợp với cơ quan BHXH chưa toàn diện trong tất cả các giai đoạn đấu thầu mua sắm thuốc (Sở Y tế đã trình xin phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tập trung thuốc ngày 13.12.2021, tại Tờ trình số 5856/TTr-SYT. Hiện nay, danh mục thuốc đấu thầu chưa được Giám đốc Sở Y tế phê duyệt do phải xây dựng lại giá và đang thẩm định). Các văn bản liên quan đến đấu thầu mua sắm thuốc, hành lang pháp lý cho việc tổ chức mua sắm thuốc, cụ thể là các thông tư, văn bản hướng dẫn chưa thực sự đáp ứng các tình huống đa dạng, các yêu cầu từ thực tế.
Đối với cơ sở y tế tự đấu thầu (mua sắm phân tán), theo giải thích, nhân sự thiếu, yếu về chuyên môn, phải đảm nhiệm cùng lúc rất nhiều gói thầu mua sắm như vật tư y tế, hoá chất, phim X-quang... dẫn đến quá tải công việc, dễ dẫn đến nguy cơ sai sót, thiếu sót, vi phạm mà không biết. Một số thành viên tham gia công tác đấu thầu (kiêm nhiệm) còn lúng túng, lo ngại sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ- nhất là nội dung đánh giá năng lực kinh nghiệm nhà thầu, yêu cầu người tham gia phải có kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ về tài chính.
Nguồn tham khảo xây dựng giá gói thầu dựa trên trang web của Cục Quản lý dược còn nhiều bất cập; có những thuốc cần thiết sử dụng điều trị người bệnh lại không có giá trúng thầu. Căn cứ pháp lý để thực hiện đấu thầu còn chồng chéo, thiếu cụ thể, khó thực hiện, các tham chiếu, quy ước, quy định tại mẫu hồ sơ mời thầu chưa rõ. Ví dụ, đánh giá năng lực kinh nghiệm nhà thầu hướng dẫn đến mục tham chiếu không có trong mẫu; chưa có hướng dẫn cụ thể về đánh giá ưu đãi hàng hoá sản xuất trong nước.
Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế, Sở Y tế đã có báo cáo Cục Quản lý dược- Bộ Y tế, đồng thời báo cáo UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp khắc phục trong hoạt động tổ chức đấu thầu mua thuốc cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh tại Công văn số 189/BC-SYT ngày 24.6.2022.
Theo tinh thần đó, giải pháp trước mắt là chỉ đạo thực hiện nhanh việc thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu và trình UBND tỉnh phê duyệt. Sau khi KHLCNT được phê duyệt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các cơ sở y tế hoàn thiện các bước tiếp theo của quy trình lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định hiện hành.
Đề nghị UBND tỉnh xem xét thành lập ban mua sắm tập trung thuốc thuộc Sở Y tế (là đơn vị mua sắm tập trung thuốc kiêm nhiệm). Về cơ cấu thành phần của ban như sau: Trưởng ban là lãnh đạo Sở Y tế, phó ban là lãnh đạo cơ quan BHXH tỉnh, thành viên của ban gồm lãnh đạo/chuyên viên các phòng chức năng thuộc Sở Y tế, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh... UBND tỉnh ban hành quy chế tổ chức hoạt động của ban, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban, nhiệm vụ của từng thành viên phù hợp với năng lực chuyên môn phụ trách. Giao Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức buổi chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc với các cơ sở y tế để hạn chế sai sót trong quá trình thực hiện. Đề nghị cơ quan BHXH tỉnh cử cán bộ tham gia toàn diện vào quá trình đấu thầu mua sắm thuốc để đẩy nhanh tiến độ đấu thầu thuốc ở tất cả các bước trong quy trình đấu thầu thuốc- nhất là đấu thầu tập trung thuốc cấp địa phương.
Giải pháp lâu dài (từ năm 2023): tiếp tục đề nghị UBND tỉnh thành lập Trung tâm mua sắm tập trung cấp tỉnh thuộc UBND tỉnh (để mang tính chuyên nghiệp) thực hiện đấu thầu thuốc, vật tư y tế, vaccine, hoá chất - sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị y tế cho cả tỉnh. Đề nghị Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể về quy trình xây dựng danh mục, cách lập dự toán, xây dựng nhu cầu, nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc, hạn chế tình trạng sai phạm trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc.
VIỆT ĐÔNG