Đau tức sau ngủ dậy, thanh niên Hà Nội may mắn giữ được chức năng đàn ông
Sáng 17/10, Trung tâm Nam học Bệnh viện Việt Đức cho biết mới tiếp nhận nam thanh niên tên L.C.A, 18 tuổi, ở Hà Nội, đến khám cấp cứu vì đau tức rất nhiều ở tinh hoàn.
Người bệnh kể khi đang ngủ thì đột ngột thấy đau tức tinh hoàn, khiến anh tỉnh giấc. Anh tìm hiểu qua một số trang mạng về biểu hiện đau đột ngột có nguy cơ đã bị xoắn tinh hoàn, cần phải tháo xoắn cấp cứu. Lập tức người bệnh đã đến phòng khám cấp cứu của Bệnh viện Việt Đức thăm khám.
Qua thăm khám kết hợp với hình ảnh siêu âm doppler tinh hoàn cho thấy cấu trúc tinh hoàn không đồng nhất, phù nề mào tinh, không thấy phổ doppler mạch.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo (Trung tâm Nam học) xác định người bệnh bị xoắn tinh hoàn và tiến hành tháo xoắn bằng tay ngay trên bàn siêu âm cho người bệnh.
Sau tháo xoắn, người bệnh đã đỡ đau tức, cấu trúc nhu mô tinh hoàn đồng nhất, mào tinh và tinh hoàn tăng tưới máu. Nam bệnh nhân được chuyển đến khu điều trị nội trú Trung tâm Nam học để theo dõi tiếp và chờ mổ cố định lại tinh hoàn nằm dưới bìu, tránh tái xoắn.
Con đau vùng kín, tránh chờ đợi hay chịu nhịn, nên đi khám ngay
PGS.TS Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm Nam học, mỗi năm cơ sở này tiếp nhận, điều trị cho hàng trăm ca xoắn tinh hoàn, tương đương mỗi tháng hàng chục ca ở những mức độ khác nhau.
Xoắn tinh hoàn hay gặp ở độ tuổi 13-21. Bệnh lý thường hay gặp lúc đang ngủ hoặc sáng dậy chợt tỉnh giấc vì cơn đau đột ngột. Đây là trường hợp cấp cứu, khi tinh hoàn bị xoắn trên 6 giờ đồng hồ có thể bị mất chức năng và phải cắt bỏ.
Vị chuyên gia khuyến cáo khi nam giới có bất kì biểu hiện đau tức tinh hoàn đột ngột, cần nghĩ ngay đến xoắn tinh hoàn, nên đến khám ngay.
Thực tế, các bác sĩ Trung tâm Nam học gặp rất nhiều trường hợp đáng tiếc phải cắt bỏ tinh hoàn do khi đến bệnh viện đã quá thời gian "vàng" cấp cứu, đặc biệt là ở độ tuổi đang phát triển hay ngại ngùng, sợ bố mẹ mắng nên không nói với gia đình, cố nhịn. Khi gia đình phát hiện thì đã quá muộn.
"Thậm chí, có những trường hợp biết con bị đau từ chập tối, nhưng ngại đêm nên chịu nhịn, qua giấc ngủ 6-7 tiếng thì quá thời gian "vàng" rồi mới đi viện" - GS Quang chia sẻ.
Ngoài ra, nhiều trường hợp đến cơ sở y tế kém uy tín, bị chẩn đoán sai thành viêm tinh hoàn, sau điều trị vài ngày không thấy đỡ mới chuyển lên Bệnh viện Việt Đức, lúc đó tinh hoàn đã hoại tử, phải cắt bỏ.
PGS Quang khuyến cáo, xoắn tinh hoàn có thể xảy ra với bệnh nhân đau đi đau lại "hạt cà" nhiều lần, đặc biệt trong trường hợp tinh hoàn di chuyển lên xuống liên tục giữa bìu và vùng bẹn, thì có nguy cơ xoắn tinh hoàn sau này.
Trong một số nghiên cứu, 10-15% nếu có người bị xoắn tinh hoàn thì bé trai trong nhà có thể bị chứng bệnh này. Trường hợp từng bị xoắn, đã được điều trị bằng bất kỳ phương pháp nào vẫn có nguy cơ bị xoắn tiếp. Do đó, bệnh nhân cần tránh hoạt động nặng, lao động tăng áp lực đột ngột ở vùng bìu vì dễ khiến tinh hoàn di chuyển gây xoắn tinh hoàn về sau.
"Trong hoạt động tình dục, người từng bị xoắn tinh hoàn cần tránh gây sang chấn "hạt cà", gây ảnh hưởng chất lượng về sau" - vị chuyên gia khuyến cáo.