Đậu mùa khỉ tiếp tục lây lan, chuyên gia y tế hối thúc WHO tránh lặp lại sai lầm với COVID-19
Ngày 28-5, Cơ quan Điều hành Dịch vụ Y tế Ireland (HSE) cho biết nước này đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên. Ngoài ra, một trường hợp nghi ngờ khác cũng đang được theo dõi và kết quả sẽ được công bố sớm, theo hãng tin Reuters.
Tính đến nay, đậu mùa khỉ đã lan ra 20 quốc gia, chủ yếu ở châu Âu, với hơn 200 ca nhiễm bệnh đã được xác nhận hoặc đang nghi ngờ.
Trong bối cảnh đó, một số chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nổi tiếng đang thúc đẩy các cơ quan y tế toàn cầu hành động nhanh hơn để ngăn chặn một đợt bùng phát bệnh, theo Reuters.
Những người mắc đậu mùa khỉ bị nổi mụn mủ trên khắp cơ thể. Ảnh: INDIA.COM
Họ lập luận rằng các chính phủ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không nên lặp lại những sai lầm trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19 vốn khiến việc phát hiện ca bệnh chậm trễ và tạo điều kiện cho virus lây lan.
Các nhà khoa học này cho biết mặc dù bệnh đậu khỉ không có khả năng lây truyền hoặc nguy hiểm như COVID-19, nhưng vẫn cần có hướng dẫn rõ ràng hơn về cách một người bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ nên cách ly, lời khuyên rõ ràng hơn về cách bảo vệ những người có nguy cơ và cải thiện xét nghiệm và truy vết.
Bà Isabelle Eckerle - GS tại Trung tâm Geneva về các bệnh virus mới nổi ở Thụy Sĩ cho biết: “Nếu đậu mùa khỉ trở thành dịch bệnh lưu hành (ở nhiều quốc gia hơn), chúng ta sẽ mắc phải một căn bệnh khó chịu khác và nhiều quyết định khó thực hiện”.
Hiện WHO đang xem xét liệu đợt bùng phát có nên được đánh giá là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng tiềm năng được quốc tế quan tâm (PHEIC) hay không, một quan chức nói với Reuters.
Hình ảnh phóng đại 50 lần của một phần mô da được lấy từ vết thương trên da một con khỉ nhiễm virus vào ngày thứ tư của quá trình phát ban vào năm 1968. Ảnh: CDC/REUTERS
Việc WHO xác định đợt bùng phát này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu - như đã xảy ra với COVID-19 hoặc Ebola - sẽ giúp đẩy nhanh nghiên cứu và tài trợ để ngăn chặn dịch bệnh.
Ông Mike Ryan - giám đốc chương trình khẩn cấp sức khỏe của WHO, cho biết bên lề cuộc họp thường niên của cơ quan này tại Geneva (Thụy Sĩ): “Nó luôn được xem xét, nhưng chưa có ủy ban khẩn cấp nào".
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng không có khả năng WHO sẽ sớm đưa ra kết luận như vậy, bởi vì bệnh đậu mùa ở khỉ là một mối đe dọa đã được biết đến mà thế giới có công cụ để chống lại. Thảo luận về việc có nên thành lập một ủy ban khẩn cấp, cơ quan khuyến nghị công bố PHEIC, chỉ là một phần trong phản ứng thông thường của cơ quan này.
Bà Eckerle kêu gọi WHO khuyến khích các quốc gia áp dụng các biện pháp cách ly phối hợp và nghiêm ngặt hơn ngay cả khi không có tuyên bố khẩn cấp. Bà cho rằng việc WHO cho biết virus này không nguy hiểm, cũng như sự sẵn có của vaccine và phương pháp điều trị ở một số quốc gia, "có khả năng dẫn đến hành vi lười biếng của các cơ quan y tế công cộng".
Ngày 27-5, Giám đốc Cục Nguy cơ dịch bệnh và đại dịch thuộc WHO - ông Sylvie Briand cảnh báo các ca nhiễm được ghi nhận ở các quốc gia chỉ “phần nổi của tảng băng chìm”, theo đài RT.
Theo ông Briand, có thể có “nhiều trường hợp khác không được phát hiện trong cộng đồng” vì bệnh đậu mùa khỉ không biểu hiện ngay với các triệu chứng rõ ràng. Mặc dù không có cách chữa trị đối với virus này, nhưng nó thường biến mất trong vòng hai đến bốn tuần.
Tuy nhiên ông Briand kêu gọi mọi người không nên hoảng sợ và nhấn mạnh “đây không phải là căn bệnh mà công chúng phải lo lắng. Nó không phải là COVID-19 hoặc các bệnh lây lan nhanh"
Nguồn PLO