Dấu hiệu người bị đột quỵ, cách sơ cứu để không bỏ lỡ ‘thời gian vàng’

Nhiều người bệnh vẫn chủ quan khi thấy biểu hiện đột quỵ chưa rõ ràng, hoặc chỉ cho rằng bị trúng gió và sử dụng các phương pháp dân gian, làm chậm trễ thời gian điều trị.

Tôi nghe nhiều người nói mùa đông, thời tiết lạnh rất dễ xảy ra đột quỵ. Gia đình có bố mẹ, ông bà đều là người cao tuổi nên tôi khá lo ngại. Vậy dấu hiệu đột quỵ như thế nào và khi xuất hiện dấu hiệu đó, chúng ta phải xử lý ra sao?

Độc giả Hồng Anh (32 tuổi, Hà Nội)

Ths.Bs Trần Giáp - Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Bệnh đột quỵ vô cùng nguy hiểm, bởi có thể xảy ra với bất cứ ai, bất kể thời gian, không gian nào. 

Đối với người bị đột quỵ, từ khi khởi phát cơn đột quỵ, khoảng thời gian 6 giờ đầu là thời gian “vàng” để cấp cứu. Nếu người bệnh được chuyển đến bệnh viện trong 4-5 giờ đầu ngay sau khi bị đột quỵ và được điều trị đặc hiệu bằng thuốc tiêu huyết khối, sự phục hồi sẽ rất khả quan. Ngược lại, nếu lỡ "thời gian vàng" cấp cứu đột quỵ, người bệnh có thể rơi vào hôn mê, tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề.

Người bệnh khi đột quỵ sẽ có hiện tượng tê hoặc yếu cơ, đặc biệt là xảy ra ở một bên cơ thể; có dấu hiệu thay đổi thị lực ở một hoặc cả hai mắt; cảm thấy chóng mặt, đi lại khó khăn, khó cử động; xuất hiện hiện tượng nói ngọng, khó nói, lưỡi bị tê cứng… 

Nếu nhận thấy bản thân hoặc người nhà có các triệu chứng đột quỵ, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức hoặc đưa người bệnh vào viện nhanh nhất, sớm nhất có thể không đc trì hoãn, nếu trì hoãn sẽ làm cho cơ hội điều trị và cơ hội phục hồi sau đột quỵ của người bệnh giảm đi.

Khi người thân của bạn bị đột quỵ, trong thời gian chờ cấp cứu, bạn nên:

- Đỡ người bệnh nằm xuống để tránh bị ngã hay chấn thương. Trong trường hợp người bệnh bị chảy dãi hoặc nôn, cần làm sạch để người bệnh dễ thở. Tốt nhất là nằm nghiêng một bên với đầu nâng lên cao.

- Trong trường hợp người bệnh bị hôn mê, cần kiểm tra hơi thở xem người bệnh có bị khó thở hay ngừng thở không. Nếu khó thở, hãy nới lỏng quần áo.

- Tuyệt đối không cạo gió, bấm huyệt hay châm cứu.

- Tuyệt đối không ăn, uống hoặc tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.

Thời gian “vàng” để cấp cứu cho người đột quỵ rất quan trọng nhằm tránh các biến chứng và nguy cơ tử vong. 

Ngay cả người có các triệu chứng nhẹ, sau đó biến mất cũng cần hết sức cẩn thận. Nó có thể là dấu hiệu cảnh báo của một cơn đột quỵ nặng có thể xảy ra sau đó một tuần hoặc lâu hơn.