Cứu sống nam sinh bị thương nặng do xe tải đâm khi đang đi học
Ngày 11/12, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, nạn nhân trải qua gần một tháng điều trị mới cải thiện dần và tỉnh táo.
Theo đó, nam sinh 13 tuổi bị xe tải tông trên đường đi học về. Em di chuyển bằng xe đạp điện. Thời điểm cấp cứu, nạn nhân lơ mơ, da niêm nhạt, huyết áp tụt, gãy cung xương sườn, bụng chướng.
Các bác sĩ đặt nội khí quản giúp thở, truyền dịch chống sốc, kích hoạt quy trình báo động đỏ gồm nhiều chuyên khoa, huy động lực lượng cứu nạn nhân. Trẻ được chụp CT não ngực bụng, đến phòng mổ trong vòng 15 phút.
Kết quả chẩn đoán hình ảnh ghi nhận em bị dập vỡ lách, dịch ổ bụng lượng nhiều, tụ máu ở gan, thận... Đồng thời, phổi đông đặc, tràn máu màng phổi, xuất huyết não, gãy xương sườn. Do chấn thương đa cơ quan nặng nề, nam sinh bị sốc mất máu và rơi vào nguy kịch.
Các bác sĩ phẫu thuật khẩn cấp, ghi nhận ổ bụng có nhiều máu đỏ sẫm và cục máu đông trào ra. Ê-kíp phải liên tục hút và lấy máu đông, chèn gạc vào các vị trí máu đang chảy, xử trí lần lượt các tổn thương. Trẻ được truyền 2.500ml máu, 900ml huyết tương tươi đông lạnh, 8 đơn vị tiểu cầu.
Sau đó, trẻ được chuyển xuống Khoa Hồi sức ngoại điều trị tiếp tục với dịch truyền kháng sinh, thuốc cầm máu, giảm đau, hỗ trợ gan vitamin K1, điều trị tổn thương gan, chống phù não. Sau gần 1 tháng điều trị, tình trạng trẻ mới cải thiện dần, cai được máy thở, thở khí trời và đang tỉnh táo.
Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cũng tiếp nhận các ca tai nạn giao thông ở tuổi học sinh. Theo đó, một bé gái 11 tuổi bị tụ khí nội sọ, dập phổi, gãy xương khi đang điều khiển xe đạp điện đến trường. Trường hợp thứ 2 là một thiếu niên 13 tuổi nhập viện khi bị ngã xe máy trên đường đi làm thêm.
Các bác sĩ cảnh bảo, đối với các chấn thương ở nội tạng hoặc gãy xương, bệnh nhi vẫn có cơ hội phục hồi. Tuy nhiên, tổn thương về thần kinh có nguy cơ để lại di chứng, có thể gây yếu liệt tay, chân.