Cúm gia cầm lây sang người, Bộ Y tế ra công văn khẩn
Vụ ngộ độc tập thể ở Quảng Nam: Bệnh nhân ăn phải chất kịch độc
Y, bác sỹ Bệnh xá Công an tỉnh: Trách nhiệm, tận tụy mẫu mực về y đức
WHO tuyên bố giai đoạn khẩn cấp của dịch Covid-19 chưa kết thúc
Chiều 24/10, Bộ Y tế gửi Công văn khẩn đến Chủ tịch UBND tỉnh, thành trực thuộc trung ương đề nghị tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm.
Công văn của Bộ Y tế được đưa ra trong bối cảnh ngày 17/10 vừa qua, nước ta ghi nhận ca bệnh cúm A(H5) trên người tại Việt Nam kể từ tháng 2/2014. Theo thông tin từ Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương.
Thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, vì vậy tổng đàn gia cầm và hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng. Bên cạnh đó, thời tiết hiện trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.
Để phòng chống cúm gia cầm lây nhiễm sang người, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành chỉ đạo Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan tăng cường giám sát để phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi nặng do virus.
Điều tra các trường hợp nghi nhiễm cúm gia cầm; xử lý sớm triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời
Cơ quan y tế, cơ quan thú y và chính quyền địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát dịch cúm trên gia cầm, trên người để kịp thời xử lý triệt để ổ dịch.
Bên cạnh đó, các đơn vị được yêu cầu tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao.
“Sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch. Thực hiện việc phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định”, công văn của Bộ nêu rõ.
Trước đó, VietNamNet đã đưa tin về ca bệnh cúm A(H5) trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2/2014. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Phú Thọ, ca nhiễm cúm A(H5) này là một bé gái 5 tuổi, ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Ngày 5/10, bệnh nhi xuất hiện ho, sốt, gia đình tự mua thuốc về uống nhưng không đỡ.
Ngày 7/10, bệnh nhi xuất hiện mệt mỏi, da vàng, mắt vàng, nôn nhiều, gia đình đưa bệnh nhi đến Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba khám và được chẩn đoán suy gan cấp, suy thận cấp chưa rõ nguyên nhân, chuyển tuyến Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ.
Tại đây, trẻ cũng được chẩn đoán suy gan cấp, suy thận cấp chưa rõ nguyên nhân. Ngày 8/10, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. 2 ngày sau, trẻ được xét nghiệm type cúm A(H5). Ngày 17/10, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định bé gái dương tính với virus cúm A(H5).
Theo lời người nhà, khoảng 1 tuần trước khi trẻ nhập viện, gia đình mổ ngan, gà có biểu hiện ốm để ăn. Hiện toàn bộ những người tiếp xúc gần sức khỏe đều ổn định, đã được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả đều âm tính với virus cúm A(H5).