Châu Á ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm COVID-19 nhất thế giới
WHO tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu
Liệu dịch COVID-19 có bùng phát lớn sau kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5?
Thị xã Trảng Bàng: Tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19
Xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc), ngày 9/8/2022. (Ảnh: Yonhap)
Sau một thời gian nhiều quốc gia trên thế giới nới lỏng các biện pháp phòng dịch và quay trở lại cuộc sống bình thường mới, số ca mắc COVID-19 đang có dấu hiệu gia tăng trở lại do biến thể phụ của Omicron lây lan nhanh. Chính vì thế, nhiều nước trên thế giới đang đẩy mạnh việc tiêm mũi tăng cường (thứ 3, thứ 4) người dân. Cho tới nay, vaccine ngừa COVID-19 vẫn là vũ khí quyết định trong cuộc chiến chống đại dịch.
Số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 10/8 cho thấy, hiện toàn thế giới có 562.646.133 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 99% tổng số ca mắc). Trong số 21.640.221 ca bệnh đang điều trị thì có 21.596.443 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,8%) và 43.778 ca (chiếm 0,2%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.
Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 217.585.357 trường hợp, trong đó có 1.884.952 ca tử vong và 209.258.214 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu Âu đứng thứ hai thế giới về số ca nhiễm mới COVID-19, với 157.8730 trường hợp.
Giới khoa học cảnh báo nhiều nước châu Âu sẽ ghi nhận hàng loạt đợt bùng phát mới COVID-19 do mọi người ở trong nhà nhiều hơn vào những tháng lạnh trong khi không áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội hay đeo khẩu trang. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng, số ca tử vong và nhập viện do COVID-19 rất có thể sẽ không tăng với mức độ tương tự nhờ chiến dịch tiêm vaccine được triển khai rộng rãi, các đợt mắc bệnh trước đây, biến thể mới gây bệnh nhẹ hơn và phương pháp điều trị bệnh đem lại hiệu quả cao.
Tại Bắc Mỹ, tổng số ca nhiễm COVID-19 tính tới sáng 10/8 là 111.716.425 trường hợp, trong đó có 1.509.487 ca tử vong. Hiện Mỹ vẫn là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 94.089.434 ca nhiễm và 1.059.487 ca tử vong vì COVID-19 ở thời điểm hiện tại.
Còn tại Nam Mỹ, trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 8.710 ca nhiễm COVID-19. Tính cho đến nay, khu vực này có tổng số 62.717.670 ca nhiễm và 1.318.276 ca tử vong vì COVID-19.
Theo số liệu thống kê trên trang worldometers.info, hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 174.454.602 trường hợp, với 1.452.415 ca tử vong và 164.627.193 ca điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu Á đứng đầu thế giới về số ca nhiễm mới, với 398.583 trường hợp. Trước nguy cơ làn sóng COVID-19 mới đang lan nhanh ở châu Á, chính phủ nhiều nước trong khu vực đã lên tiếng khuyến cáo thực hiện các biện pháp tăng cường phòng dịch, gồm cả việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho người dân, nhất là các đối tượng ưu tiên.
Tính đến sáng 10/8, tổng số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 tại châu Phi lần lượt là 12.550.989 và 257.020 trường hợp. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 4.006.916 ca nhiễm COVID-19 và 101.982 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 34.268 ca nhiễm COVID-19, trong đó riêng Australia chiếm tới 26.530 ca. Hiện khu vực này có tổng số 11.700.816 trường hợp ca mắc COVID-19, với 17.605 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 9.684.642 ca, tiếp theo sau là New Zealand với 1.666.539 ca./.
Nguồn dangcongsan