Văn hoá của người Việt Nam luôn biết ơn những người giúp đỡ mình, nhất là trong những lúc “ngàn cân treo sợi tóc”. Bày tỏ sự biết ơn ấy có thể bằng nhiều hình thức. Nhưng nếu lấy vật chất làm tiền đề thì hoàn toàn không đúng.
Dưới đây là bài viết của PGS.TS Nguyễn Trọng Lưu - Phó Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - gửi về diễn đàn (nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả).
Suy cho cùng, quan hệ "quen” và “phong bì” ở đây đang được coi là “chất xúc tác”.
Bản thân tôi từng nhiều năm trực cấp cứu trong bệnh viện, nhiều lần nhận được những cuộc gọi nhờ “quan tâm, để ý thêm” về một trường hợp nào đó là người nhà của người quen. Tôi cũng nhận được nhiều lời nhờ tác động thêm với đồng nghiệp cũng để “quan tâm, để ý thêm”. Nghĩa là tôi sẽ là “đích đến”, hoặc là “cầu nối xúc tác” cho việc “quan tâm” bệnh nhân đó.
Việc này, nhân viên y tế chúng tôi có 2 luồng trạng thái tâm lý.
Một là chúng tôi tự hào thấy được giá trị nghề nghiệp của mình. Bệnh nhân vào viện, đương nhiên ai cũng muốn yên tâm điều trị.
Nhưng luồng tâm lý thứ 2, nặng nề hơn, khiến chúng tôi tổn thương, nếu không muốn nói cao hơn là xúc phạm, bởi nhân viên y tế không được tin tưởng. Độ tin cậy thiếu vắng đến mức phải có tác động bằng mọi cách. Một là qua kênh quan hệ để yên tâm hơn; hai là sợ rằng bác sĩ chưa đủ trách nhiệm, nên phải có xúc tác để có trách nhiệm hơn. Điều đó thật đáng tiếc.
Đã có những cuộc gọi tôi phản ứng khá gay gắt. Tôi bảo "Nếu anh chị nhờ tôi vậy chứng tỏ không tin tưởng người sẽ được chỉ định cấp cứu điều trị cho người nhà anh chị, tức là không tin tôi". Nhiều cuộc gọi tôi từ chối.
Có những người đúng là rất chân thật, chúng tôi cảm nhận được. Nhưng lại có những người lại nghĩ ngay đến chuyện vì “không có bôi trơn thì nhân viên y tế không làm”, nên phải tìm mọi cách, các mối quan hệ để tác động. Thậm chí có những trường hợp để nhờ tôi tác động đến ông A, có khi họ đã tìm một chị B tác động vào tôi để tôi nhiệt tình hơn trong tác động ông A. Cuối cùng họ không tin ai.
Đã mặc áo blouse, từ những ngày đầu bước chân vào trường Y, chúng tôi ý thức rõ làm việc phải có trách nhiệm chứ. Nhưng có lúc nào đó, chúng tôi lại bị đánh giá có thái độ thờ ơ, lạnh lùng, hơi thiếu sự quan tâm.
Chúng tôi làm việc bằng lý trí, không phải đo đếm hiệu quả cấp cứu, điều trị bằng thái độ săn đón từ xa, xoắn xuýt hỏi han. Chúng tôi làm nghề nghiệp khoa học, chuyên môn, bệnh ra sao thì có định hướng chẩn đoán, điều trị, có phương án giải quyết, giao nhiệm vụ.
Hơn nữa, người thầy thuốc càng có kinh nghiệm, đôi khi chỉ cần nhìn tổng thể, quan sát thêm bệnh cảnh, toàn trạng bệnh nhân là tự trong đầu đã có hướng điều trị, phân công người theo dõi mà không cần phải náo nhiệt chia sẻ. Chuyện đó người nhà không chứng kiến, đánh giá hay hiểu được. Ở đây cũng có một vấn đề về thái độ giao tiếp nhiều năm nay ngành Y tế đang nỗ lực cải thiện.
Áp lực của người làm công tác y tế nhiều khi đến từ sự quan tâm, nhạy cảm thái quá của bệnh nhân và gia đình. Tôi có cảm giác xã hội ngày nay con người dễ nổi giận, nôn nóng, cảm thấy không an toàn. Chỉ một chút không vừa ý thôi có thể xung đột được ngay.
Chuyện phong bì bệnh viện muôn đời là chuyện nhạy cảm. Tôi chỉ muốn nói một khía cạnh, có lẽ không phải là toàn bộ bản chất. Báo chí gần đây nói nhiều về chuyện cống hiến - thù lao không chỉ của nhân viên y tế mà của nhiều ngành nghề.
Tôi biết rằng trong nhiều cuộc họp, các ban ngành liên quan đã thảo luận nhiều, tìm giải pháp tháo gỡ vì đó là cả một vấn đề kinh tế phức tạp, không đơn giản là “lương thấp đấy, tăng lương đi” là xong.
Nhưng rõ ràng, khi lương và thù lao chưa tương xứng, người ta không thể dốc hết sức lực mãi được, họ phải nghĩ đến bài toán kinh tế bù đắp để nuôi sống gia đình, phục vụ những nhu cầu đời thường nhất. Đâu đó vẫn có những người “ngã lòng” khi có tác động từ nhiều phía.
Văn hoá của người Việt Nam luôn biết ơn những người giúp đỡ mình, nhất là trong những lúc “ngàn cân treo sợi tóc”. Bày tỏ sự biết ơn ấy có thể bằng nhiều hình thức, bằng những lời động viên, hoặc vật chất. Nhưng nếu lấy vật chất làm tiền đề thì hoàn toàn không đúng. Tuy nhiên, vì nguyên nhân gốc rễ không giải quyết được, lâu dần thành tư duy sai rằng: “Chưa có xúc tác thì không làm, hoặc làm ở mức độ trách nhiệm thấp”.
Tôi biết có những người như vậy, nhưng đó là hiện tượng, không phải là bản chất. Hầu hết cán bộ nhân viên y tế đều có lương tâm, trách nhiệm và niềm tự hào trong công việc. “Niềm tự hào” công việc là yếu tố rất quan trọng.
Cách đây mấy năm, chúng tôi làm việc với một cơ quan liên quan vấn đề xuất toán bảo hiểm y tế. Có ý kiến nói “cán bộ y tế công lập toàn kê sai chỉ định để trục lợi bảo hiểm”. Điều này là có, nhưng nó chỉ mang tính cá nhân, hiện tượng, không phản ánh tình trạng chung diện mạo của ngành y tế được. Sai chỗ nào thì tìm cách sửa chữa chỗ đó, còn quy kết một vài hiện tượng lên thành bản chất phổ quát là không thể.
Trở lại với hai câu hỏi nhiều người hỏi Có quen ai không? Có phải phong bì không? như một độc giả lên tiếng, từ một người làm công tác y tế, tôi rất đau lòng.
Thật ra bản thân tôi cũng có người thân trong gia đình bị ốm, tôi cũng phải suy nghĩ. Có người nhờ tôi, tôi vui vẻ vô tư giúp dù biết họ có khi cũng có những suy nghĩ khác; nhưng ở hoàn cảnh của mình thì phải làm thế nào. Tôi may mắn cũng có những anh em, nhờ nhau là giúp đỡ hết mình, gửi quà cảm ơn nhất định không nhận.
Nhưng ở ngoài kia, buồn nhất là có những người thành thói quen, ngày này qua ngày khác, lặp đi lặp lại thành một phản xạ có điều kiện. Mà tôi nghĩ không chỉ riêng ngành y đâu, nhiều ngành như thế, chỉ có điều, ngành Y phục vụ đối tượng là sức khoẻ, tính mạng con người nên nhạy cảm hơn nhiều. Tôi nghĩ “thói quen” đó phản ánh phần nào đó tình trạng chung trong đời sống xã hội, với cơ chế quản lý chung còn nhiều bất cập.
Quan trọng nhất là người lao động chưa được thoả mãn, hài lòng với mức chi trả thù lao chưa tương xứng với vị trí công việc hoặc sức lực bỏ ra, do đó phải tìm cách bù đắp.
Võ Thu (ghi)
Ban Sức khoẻ - Báo VietNamNet mở diễn đàn "Phong bì bệnh viện - có phải thầy thuốc và bệnh nhân làm hư nhau?".
Bạn đọc có ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ bansuckhoe@vietnamnet.vn. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng tải theo quy định của tòa soạn.
Theo lời kể của chị N.K.H và người nhà, khi đang được chồng chở bằng xe máy thì đột nhiên vạt áo chống nắng của chị bị cuốn vào bánh xe, kéo theo cánh tay, quá đột ngột nên chị không kịp phản ứng.
Dù bị suy tim nặng, mức độ 4 do hở van 3 lá 4/4, và tăng áp động mạch phổi, nhưng chị D. vẫn quyết định giữ lấy thai khiến bệnh nhân đối diện với nguy cơ đột tử.
Viết trên chuyên san The Conversation, GS Enzo Palombo, chuyên gia về vi sinh tại Đại học Công nghệ Swinburne (Úc), đã lý giải về hội chứng cơm chiên và cách phòng ngừa nó.
Một người đàn ông được ghép tim heo biến đổi gien đã qua đời vào ngày 30-10, gần 6 tuần sau ca phẫu thuật kể trên, giới chức Trung tâm Y tế Trường ĐH Maryland (UMMC) thông báo.