Cấp cứu sau khi uống 40 viên paracetamol
Ngày 29/11, theo thông tin từ Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM), sau 12 ngày điều trị, bệnh nhân N. (35 tuổi) đã được xuất viện. Trước đó, người phụ nữ này nhập viện trong tình trạng nôn ói có lẫn máu, tiếp xúc chậm, bứt rứt, vàng mắt, đau bụng.
Theo chia sẻ của người nhà bệnh nhân, chị đã tự uống 40 viên paracetamol nhưng không xác định được thời gian chính xác. 5 ngày trước, chị bị đau bụng âm ỉ kèm buồn nôn, đau mỏi cơ, sốt liên tục. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có tổn thương gan, thận, tiểu cầu giảm, rối loạn đông máu, kháng nguyên sốt xuất huyết âm tính.
Sau đó, bệnh nhân được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU), chẩn đoán tổn thương gan, thận cấp do ngộ độc paracetamol và viêm gan siêu vi C. Bệnh nhân được truyền dịch, thuốc điều trị ngộ độc paracetamol tĩnh mạch, dùng kháng sinh, vitamin K1 và làm lại xét nghiệm kháng thể sốt xuất huyết.
Sau khi mạch, huyết áp ổn định, bệnh nhân có dấu hiệu giảm tưới máu mô ngoại biên, còn đau bụng, dịch dạ dày có màu đen, tiểu cầu giảm thấp, men gan tiếp tục tăng cao, chức năng thận diễn biến xấu, dương tính với sốt xuất huyết.
Các bác sĩ truyền 1,5 lít huyết tương tươi đông lạnh và hồng cầu lắng, tiếp tục truyền dịch theo phác đồ sốt xuất huyết, kháng sinh, thuốc ức chế trào ngược dạ dày... cho bệnh nhân. 18 giờ sau khi truyền máu và các chế phẩm máu, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cải thiện.
Theo bác sĩ Nguyễn Thiên Bình, Trưởng khoa ICU, Bệnh viện Trưng Vương, ban đầu, bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc thuốc khi thấy suy gan và khai uống 40 viên paracetamol. Tuy nhiên, các bác sĩ không thể giải thích nhiều triệu chứng trên cơ thể chị N. Vì vậy, người bệnh được chỉ định xét nghiệm để tìm nguyên nhân.
"Bệnh nhân đã ở giai đoạn sốc sốt huyết còn bù, mạch và huyết áp vẫn trong giới hạn bình thường nên khó nhận biết. Nhờ phát hiện kịp thời và truyền máu, bù dịch theo đúng phác đồ, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã nhanh chóng cải thiện", bác sĩ Bình chia sẻ.
Theo ông, năm nay, lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng tăng cao. Việc chăm sóc bệnh nhân nặng sẽ tốn rất nhiều thời gian, nhân lực nên công việc của nhân viên y tế càng nặng nề. Bác sĩ khuyến cáo người có cơ địa béo phì hay phụ nữ có thai thường dễ gặp nguy hiểm khi mắc sốt xuất huyết. Diễn biến nặng thường xuất hiện ở ngày thứ 4 đến thứ 6 của bệnh.