Căn bệnh khiến một bên thận của bé trai 4 tuổi teo nhỏ

Kết quả siêu âm cho thấy bệnh nhi chỉ có một quả thận, phần còn lại dù có nhưng đã bị teo bẩm sinh.

TS.BS Nguyễn Đình Liên – Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E (Hà Nội) - cho biết bệnh viện mới tiếp nhận và điều trị thành công cho một bé trai 4 tuổi, ở Lào Cai mắc bệnh lý thận bẩm sinh khá hiếm gặp. 

Ca bệnh này được phát hiện rất tình cờ. Dù đã 4 tuổi, bệnh nhi chỉ nặng 10kg. Mẹ bé cho biết từ khi sinh ra gia đình đã thấy bụng trẻ chướng to, căng cứng. Tuy nhiên, thấy bé vẫn ăn, vẫn chơi và điều kiện gia đình khó khăn nên không cho trẻ đi khám. 

Vừa qua, một đoàn tình nguyện đến tặng quà tại thôn của bé T. sinh sống, phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường nên đã động viên, tài trợ để đưa trẻ đến bệnh viện tỉnh thăm khám. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã chuyển bệnh nhi xuống Bệnh viện E để phẫu thuật.

Theo TS.BS Liên, kết quả siêu âm cho thấy bé trai này chỉ có một quả thận, quả còn lại dù có nhưng đã bị teo bẩm sinh. Gần 1 năm nay, trẻ đi tiểu rất ít nhưng bàng quang lại luôn trong tình trạng cạn khô. Do không đi tiểu được nên quả thận còn lại bị suy, ứ nước, có bong bóng trên thận. 

Hình ảnh thận phải ứ nước, giãn to của bệnh nhi. Ảnh: TS.BS Nguyễn Đình Liên cung cấp

Đáng chú ý, quả thận này bị ứ nước nặng, giãn to chiếm nửa ổ bụng và đó chính là nguyên nhân gây nên tình trạng trẻ bị chướng bụng, căng cứng. 

“Nếu không phát hiện và phẫu thuật, quả thận còn lại có nguy cơ hỏng hoàn, phải chạy thận suốt đời, thậm chí tử vong. Ngoài vấn đề về bệnh lý thận tiết niệu, vấn đề gây mê cũng rất quan trọng vì trường hợp này là trẻ nhỏ, sức khỏe yếu”, TS.BS Liên thông tin thêm.

Các bác sĩ kết luận bệnh nhi bị đa dị tật hệ tiết niệu, thận teo nhỏ, thận trái hẹp niệu quản nhiều đoạn bất thường. Để cứu được chức năng thận còn lại, trẻ đã được chỉ định phẫu thuật nội soi tạo hình niệu quản. 

Hiện sau 2 tuần phẫu thuật, thận trái của trẻ cơ bản đã trở về chỉ số ổn định và có thể đi tiểu bình thường. Tuy nhiên, cháu bé cần phải theo dõi thường xuyên, tái khám định kỳ bởi nguy cơ tái phát tình trạng ứ nước rất dễ xảy ra.

TS.BS Nguyễn Đình Liên cũng cho rằng chế độ sinh hoạt, ăn uống cũng rất quan trọng. Với thói quen ăn mặn, chan cơm nước lã như cháu bé này cũng khiến cho bệnh tiến triển nhanh và nặng hơn. 

Dị tật bẩm sinh đường tiết niệu là các khuyết tật ở trẻ, thường xuất hiện ngay khi trẻ mới sinh ra và làm thay đổi hình dạng, chức năng của các bộ phận trong hệ cơ quan này. 

Dị tật bẩm sinh đường tiết niệu có thể dẫn tới nhiễm khuẩn đường tiết niệu, tổn thương thận, suy thận... nếu không được can thiệp sớm. 

Nhiều dị tật có thể chẩn đoán được bằng kỹ thuật siêu âm. Ngay sau khi sinh, các dị tật sẽ được chẩn đoán qua sàng lọc sau sinh, và những bài test kiểm tra sức khỏe tổng thể của trẻ sơ sinh tại bệnh viện.

Từ trường hợp này, TS.BS Liên khuyến cáo hiện nay y học rất phát triển, các bà mẹ khi mang thai cần khám định kỳ để phát hiện những bất thường của trẻ, trong đó có vấn đề ở hệ tiết niệu. 

Ngoài ra, quá trình chăm sóc, thấy trẻ có biểu hiện bất thường như chướng bụng, tiểu khó, đau khi đi tiểu… gia đình cần cho trẻ đến các bệnh viện có chuyên khoa thận-tiết niệu để thăm khám sớm.