Các nhà khoa học cảnh báo nguy cơ 'virus thây ma’ hồi sinh
Virus gây bệnh tay chân miệng nặng mang gene “độc lực cao”
Một trường hợp tử vong nghi do nhiễm virus dại sau khi bị chó cắn
Virus Marburg có khả năng lây sang Việt Nam không?
Nhóm tác giả người Pháp làm dấy lên lo ngại về một đại dịch mới sau khi làm thí nghiệm hồi sinh một loại “virus thây ma” bị mắc kẹt dưới hồ nước đóng băng ở Nga trong 50.000 năm.
“Tình hình sẽ nghiêm trọng hơn nhiều trong trường hợp bệnh ở thực vật, động vật, con người do một loại virus cổ chưa được biết đến gây ra”, nghiên cứu cho biết.
Science Alert đưa tin, nghiên cứu mới do nhà vi trùng học Jean-Marie Alempic từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp đứng đầu.
Theo báo cáo sơ bộ, toàn cầu nóng lên đang khiến những vùng băng vĩnh cửu rộng lớn tan rã. Điều này gây ra hậu quả đáng báo động là “giải phóng các yếu tố hữu cơ bị đóng băng tới một triệu năm” - bao gồm cả những mầm bệnh có khả năng gây hại.
Các nhà khoa học viết: “Đó có thể là các vi khuẩn tế bào đã hồi sinh cũng như các loại virus không hoạt động từ thời tiền sử”.
Theo New York Post, Giáo sư Jean-Michel Claverie của Đại học Aix-Marseille, đồng tác giả nghiên cứu, đưa ra cảnh báo về việc thiếu các cập nhật quan trọng về virus “sống” trong băng vĩnh cửu sau các nghiên cứu ban đầu vào năm 2014 và 2015.
“Điều này dẫn tới giả thuyết sai lầm rằng những trường hợp như vậy rất hiếm xảy ra và virus ‘thây ma’ không phải là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng”, nhóm tác giả nhận định.
Để nghiên cứu những sinh vật đang thức tỉnh này, các nhà khoa học đã hồi sinh “virus thây ma” từ lớp băng vĩnh cửu ở Siberia. Loại lâu đời nhất - được đặt tên Pandoravirus yedoma có 48.500 năm tuổi. Đây là độ tuổi kỷ lục đối với một loại virus bị đóng băng quay trở lại trạng thái có khả năng lây nhiễm cho các sinh vật khác.
Virus trên phá vỡ kỷ lục trước đó của loại 30.000 năm tuổi được phát hiện ở Siberia vào năm 2013.
Chủng mới là một trong 13 loại virus được nêu trong nghiên cứu, mỗi loại sở hữu bộ gene riêng. Pandoravirus được phát hiện dưới đáy hồ ở Yakutia, Nga. Trong khi đó, những loại khác được tìm thấy ở khắp mọi nơi từ lông voi ma mút đến ruột của một con sói Siberia.
Các nhà khoa học phát hiện, tất cả các virus “thây ma” đều có khả năng lây nhiễm và do đó là mối đe dọa sức khỏe. Họ cho rằng chúng ta có thể đối mặt với những đại dịch như Covid-19 trong tương lai khi lớp băng vĩnh cửu tan chảy tiếp tục giải phóng các loại virus ngủ yên trong thời gian dài.
Virus mới có thể chỉ là phần nổi của tảng băng dịch tễ học vì có khả năng còn nhiều virus ngủ đông chưa được phát hiện.
Nhà virus học Eric Delwart, Đại học California (Mỹ) nói: “Nếu các tác giả đang phân lập virus sống từ lớp băng vĩnh cửu cổ đại, có khả năng những virus động vật có vú nhỏ hơn, đơn giản hơn cũng sẽ tồn tại trong tình trạng đông lạnh trong nhiều thời đại”.
Cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác định mức độ lây nhiễm của những virus chưa biết này khi tiếp xúc với ánh sáng, nhiệt độ, oxy và các yếu tố môi trường ngoài trời khác.
Đây không phải là sinh vật ngủ đông đầu tiên được đánh thức khỏi giấc ngủ băng giá. Vào tháng 6/2021, các nhà khoa học Nga đã hồi sinh những con giun "thây ma" bị đóng băng 24.000 năm ở Bắc Cực.