Bộ Y tế: Phòng chống dịch Covid-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu dịp Tết
Tại chỉ thị mới nhất này, Bộ trưởng Y tế yêu cầu thủ trưởng đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh.
Các đơn vị phải tổ chức lực lượng, phương tiện ứng trực, theo dõi, giám sát diễn biến dịch và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh. Bên cạnh đó, cần chăm lo, động viên vật chất, tinh thần đối với lực lượng trực chống dịch và cán bộ y tế công tác tại đơn vị.
Chỉ thị cũng yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành về công tác giám sát dịch bệnh dịp Tết Nguyên Đán năm 2023 để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
“Phòng, chống dịch Covid-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới; tiêm vắc xin theo hướng dẫn của Bộ Y tế”, chỉ thị nêu rõ.
Các đơn vị này cũng được yêu cầu chủ động công tác giám sát các bệnh truyền nhiễm; tăng cường giám sát tại cửa khẩu, các chuyến bay, đoàn tàu, các khu dịch vụ của cảng hàng không, nhà ga, bến xe, khu vực công cộng khác và trong các cơ sở y tế. Mục đích để phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong.
Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur được yêu cầu theo dõi, phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh. Chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh và xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để; chủ động triển khai các biện pháp kiểm soát yếu tố nguy cơ gây dịch.
Các viện này cũng phải bảo đảm điều kiện cần thiết triển khai đội phản ứng nhanh và các phương tiện, thiết bị, hóa chất, vật tư y tế cần thiết để sẵn sàng hỗ trợ địa phương đáp ứng với các tình huống dịch bệnh.
Chỉ thị của Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện trực thuộc Bộ phải nâng cao năng lực thu dung, điều trị; rà soát cơ sở vật chất, xây dựng và triển khai phương án bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, thiết bị, oxy y tế, phương tiện cấp cứu để chủ động đáp ứng nhanh, kịp thời các tình huống điều trị người bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó là tình huống cấp cứu do tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, sinh đẻ trong những ngày Tết.
Các bệnh viện cũng phải thực hiện nghiêm các quy trình về sàng lọc, phân luồng, cách ly, đảm bảo công tác phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo. Duy trì và tổ chức tốt đội cơ động chống dịch, sẵn sàng hỗ trợ kịp thời đơn vị tuyến dưới khi có dịch bệnh xảy ra.
Cục Y tế dự phòng được yêu cầu theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trong nước, quốc tế để sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh.
Cục cũng được yêu cầu chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt đối với dịch Covid-19, các bệnh truyền nhiễm mùa Đông - Xuân do dịch bệnh thường xảy ra vào dịp Tết và mùa lễ hội.
Các đơn vị cũng phải tăng cường theo dõi, giám sát tại cửa khẩu và tại cộng đồng, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh, kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan rộng, bùng phát kéo dài tại cộng đồng.
Biện pháp tiếp theo là tiếp tục thúc đẩy công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch, dự trữ đủ thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị, phương tiện đảm bảo đáp ứng các yêu cầu trong phòng, chống dịch.
Hiện tại, theo Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở các địa phương tiếp tục được kiểm soát (1 tuần qua 24/12 đến 30/12, ca mắc giao động từ 71 đến 234 ca). Chiến dịch tiêm chủng đã đạt kết quả khả quan, tỷ lệ bao phủ vắc xin của nước ta đã ở mức rất cao.
Dù dịch bệnh ở các địa phương được kiểm soát, Bộ Y tế dự báo tình hình sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp thời gian tới, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch bệnh do biến thể mới. Giai đoạn giao mùa tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp, dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện, tiến hóa của các biến thể mới dẫn đến khả năng miễn dịch của cơ thể giảm theo thời gian. Điều đó cũng gây khó khăn cho quá trình dự báo xu hướng dịch. Đồng thời, đang xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch. Những yếu tố này cũng có thể làm tăng nguy cơ bùng phát dịch ở nước ta.
Đối với kỳ nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, theo các chuyên gia, nguy cơ bùng phát dịch không chỉ tăng cao do nhu cầu giao thương du lịch tăng mà còn là giai đoạn thời tiết chuyển mùa, thay đổi bất thường.
Đây là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, làm gia tăng số ca mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền.