Bệnh viện lại than khó trong thanh toán Bảo hiểm y tế

Bảo hiểm y tế chậm thanh toán cho bệnh viện, bệnh viện chậm thanh toán cho công ty dược dẫn đến công nợ kéo dài. Từ đó, một số công ty dược không chịu cung ứng thuốc.

Chiều ngày 29/9, đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã làm việc tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, khảo sát việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.

Tại đây, bà Hoàng Thị Thanh Kiều, Trưởng phòng Tài chính, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, thanh toán bảo hiểm y tế là một trong những khó khăn bệnh viện đang đối mặt. Theo đó, Bệnh viện Lê Văn Thịnh ký hợp đồng với cơ quan Bảo hiểm y tế theo đơn giá dịch vụ. Tuy nhiên, trong quá trình thanh tra giám định, một số dịch vụ lại được Bảo hiểm y tế tính theo định mức xây dựng cơ cấu giá.

Bà Kiều ví dụ, năm 2020, cơ quan Bảo hiểm y tế kiểm tra bóng đèn máy CT scaner. Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, tối đa chụp 10.000 ca/bóng. Bệnh viện sử dụng, vận hành tốt, bóng đèn có thể chụp được nhiều lượt hơn, vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Tuy nhiên khi Bảo hiểm y tế thẩm tra lại từ chối thanh toán đối với số ca chụp vượt định mức khuyến cáo (chỉ tính 10.000 ca). Trong khi đó, trường hợp thiết bị hư hỏng trước thời gian khuyến cáo lại không được tính bổ sung vào chi phí; thiết bị chưa hư mà phải thay (vì đủ định mức) sẽ gây lãng phí.

Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP.HCM. 

Cũng liên quan đến Bảo hiểm y tế, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đề nghị cần ban hành cơ chế thống nhất trong việc thực hiện, thẩm tra công tác khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế, xem xét lại việc cấp kinh phí tạm ứng 80% chi phí khám chữa bệnh. 

Bà Kiều giải thích, quy định tạm ứng 80% chi phí khám bệnh bảo hiểm y tế hiện nay là không đủ. 

“Bình quân mỗi năm, chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế của Bệnh viện Lê Văn Thịnh là 250 tỷ,  mỗi quý chia đều khoảng 60 tỷ nhưng tạm ứng chỉ 80% tức là chỉ được 40 tỷ”, bà nói. Phần 20% chờ quyết toán trong 3 tháng, phần vượt dự toán năm sau mới được xem xét, chi phí này rất lớn.

Trong khi đó, bệnh viện vẫn phải chi tiền lương, phụ cấp và thu nhập khác theo từng tháng; tiền điện, nước trả theo kỳ; tiền thuốc, vật tư, hóa chất sử dụng cho bệnh nhân phải dự trữ tồn kho... nên gặp rất nhiều khó khăn

Chia sẻ với đoàn công tác, dược sĩ Lê Phước Trọng Nhân, Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho hay, bệnh viện dành phần kinh phí rất lớn cho đấu thầu thuốc, từ 50- 55%. Vì thế, bệnh viện phải tập trung nguồn lực trả nợ cho các công ty dược. 

Ông Nhân lý giải, bệnh viện phụ thuộc nhiều vào Bảo hiểm y tế, nếu Bảo hiểm y tế chậm thanh toán cho bệnh viện, bệnh viện sẽ chậm thanh toán cho công ty, dẫn đến công nợ kéo dài, quá thời hạn 90 ngày. Theo dược sĩ Nhân, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc.

“Bệnh viện Lê Văn Thịnh mua rất nhiều chủng loại hàng, nhiều công ty, ưu tiên các công ty giao hàng nhanh gọn lẹ mà không đặt nặng vấn đề công nợ, nên hiện đảm bảo cung ứng.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp bệnh nhân cần thuốc biệt dược gốc, buộc phải liên hệ qua 2 công ty khác nhưng chắc chắn 2 công ty đó không giao nếu nợ. Khi đó phải xài sang thuốc generic”, dược sĩ Nhân nói.

Buổi làm việc của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM chiều 29/9.

Cũng trong buổi làm việc, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho hay, cơ cấu giá khám chữa bệnh hiện nay chưa được tính đúng, đủ, chỉ mới thu 4/7 phần chi phí thực tế. Ba phần còn lại là chi phí nhân sự gián tiếp; khấu hao thiết bị, máy móc; chi phí đào tạo, nghiên cứu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng.

Theo bác sĩ Khanh, giá khám chữa bệnh hiệncũng chưa bao gồm phần hao hụt trong quá trình bảo quản, cấp phát thuốc và vật tư, dẫn đến việc càng làm càng thâm hụt, không có nguồn để tái đầu tư sơ sở vật chất hay nguồn đào tạo nhân lực…

Do đó, Bệnh viện Lê Văn Thịnh kiến nghị tính đúng, đủ chi phí cho khung giá khám chữa bệnh, theo lộ trình. Đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của trung ương, không phải TP.HCM có thể làm được. Trong khi chờ đợi, ông đề nghị ngân sách cấp bổ sung phần thiếu hụt kinh phí đầu tư bệnh viện.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh là bệnh viện đa khoa hạng một tại TP.HCM với 500 giường, hoạt động theo cơ chế tự chủ chi thường xuyên từ năm 2016. Thống kê 9 tháng năm 2022, bệnh viện khám 596.981 lượt ngoại trú, 33.110 bệnh nhân nội trú, gần phục hồi so với trước dịch Covid-19. Tổng số nhân viên hiện nay là 781, tăng 10% so với năm 2021.