"Đây là tín hiệu y tế các tuyến phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nhất là tuyến tỉnh, huyện", Thứ trưởng Sơn nói.
Một tháng trước, Bệnh viện điều trị cho người bệnh Covid-19 Hoàng Mai (Hà Nội) tiếp nhận xấp xỉ 20 ca nội trú, đến giữa tháng 8 con số này tăng lên gấp đôi. Số bệnh nhân nặng, nguy kịch ở bệnh viện này cũng tăng, với 10 ca phải can thiệp thở máy, oxy dòng cao, thở máy không xâm nhập.
Trong hơn 230 bệnh nhân Covid-19 nhập viện từ đầu tháng 8 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thì gần một nửa là người trên 65 tuổi, 3 ca tử vong. Các bác sĩ viện này đang điều trị cho 123 ca bệnh, trong đó 26 ca thở máy, một ca ECMO.
Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) tình hình điều trị Covid "yên ắng" trong giai đoạn tháng 5-7, tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 7 đến nay số ca tăng nhanh. 19 trên 32 ca điều trị tại đây được xếp ở mức độ nặng và nguy kịch; có 6 bệnh nhân tử vong.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết đã chỉ đạo các cơ sở sàng lọc, phân luồng và thu dung điều trị, khoa lâm sàng, khoa truyền nhiễm tiếp nhận ca nghi nhiễm và không tổ chức bệnh viện dã chiến. Các bệnh nhân Covid-19 nặng hiện chủ yếu điều trị tại các viện tuyến cuối, riêng TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch kích hoạt lại bệnh viện dã chiến.
Báo cáo của các bệnh viện tại cuộc họp cũng cho thấy tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 nặng và tử vong chưa tiêm vaccine chiếm tới 25%. Gần 1/3 ca điều trị khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là những ca nặng, nguy kịch, cũng chưa tiêm phòng.
"Đây là tín hiệu báo động với cộng đồng", Thứ trưởng Sơn nói và đề nghị các địa phương cần rà soát, lập danh sách quản lý, theo dõi và tiêm vaccine cho người cao tuổi, mắc bệnh nền đúng thời gian để đảm bảo hiệu lực.
Trong bối cảnh Việt Nam đang lưu hành các biến chủng mới, Thứ trưởng gợi ý giải trình tự gene virus với nhóm bệnh nhân nặng, nguy kịch, tử vong để đánh giá, theo dõi biến chủng trong tình hình mới. Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương đánh giá lại nguồn lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất, nhân lực chuẩn bị cho 4 tại chỗ. "Hiện tại, Bộ Y tế chưa yêu cầu các địa phương thành lập bệnh viện dã chiến, mô hình bệnh viện tách đôi vẫn phù hợp", Thứ trưởng Sơn nói.
Với bệnh nhân nặng, Thứ trưởng lưu ý các viện theo dõi và điều trị tại chỗ, chỉ chuyển viện sau khi có hội chẩn và bảo đảm đầy đủ khi vận chuyển. Bộ Y tế sẵn sàng điều chuyển từ kho dự trữ các thuốc như remdesivir, bộ đôi kháng thể đơn dòng... cho đơn vị, địa phương khi có đề xuất.
Covid đang tái bùng phát khắp thế giới với các biến chủng mới. Tại Việt Nam, nửa đầu tháng 8 phát hiện các biến chủng thế hệ thứ hai của Omicron được cho là khả năng lây lan cao hơn các chủng trước và có thể lẩn tránh miễn dịch. Hiện chưa rõ độc lực của các chủng mới, tuy nhiên số ca mắc mới tăng cao trong khi số nhập viện, số ca nặng chỉ tăng nhẹ.
Theo VnExpress