Bên trong bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam
"Nhà thương Chợ Quán" gắn liền với lịch sử của mảnh đất phương Nam, là tiền thân của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Tâm thần TP.HCM ngày nay.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, ban đầu, nhà thương Chợ Quán do Pháp thành lập, mở cửa ngày 13/2/1861 như bệnh viện dã chiến nhằm chuẩn bị phục vụ trận đánh đồn Kỳ Hòa. Sau đó, tiếp nhận thương binh từ các trận đánh tại Sài Gòn - Gia Định và Nam bộ.
Năm 1864, bệnh viện được giao lại cho chính quyền thời bấy giờ quản lý. Đây là bệnh viện đầu tiên của Việt Nam.
Những năm đầu, bệnh viện chủ yếu tiếp nhận điều trị người mắc bệnh hoa liễu, người tù bị bệnh, người già, người nghèo, người mắc bệnh nan y.
Từ năm 1876 đến 1904, bệnh viện được sửa chữa, xây thêm, bổ sung phòng bệnh truyền nhiễm. Trải qua những biến động lịch sử của dân tộc, nhà thương Chợ Quán (nay là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM), là cơ sở y tế điều trị bệnh truyền nhiễm hàng đầu của khu vực phía Nam.
Sáng 24/11, trong buổi lễ kỷ niệm 160 năm thành lập bệnh viện, bà Nguyễn Thị Hoài Thu (Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội) không khỏi xúc động. Đây chính là nơi bà chào đời vào ngày 26/11 của 80 năm trước.
“Tôi nghĩ rằng, đằng sau ánh hào quang của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới là sự lao động của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế nơi này. Trong đại dịch Covid-19, đây là nơi đầu sóng ngọn gió, các thầy thuốc đã dấn thân để giữ sinh mệnh cho người bệnh”.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng là bệnh viện duy nhất của Việt Nam có một trại giam nằm bên trong khuôn viên. Tại đây, đồng chí Trần Phú đã hy sinh ngày 6/9/1931. Những người tù cách mạng khác như Trần Não, Hà Huy Tập, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Văn Trỗi cũng từng bị giam giữ tại nơi này. Năm 1988, khu trại giam Chợ Quán được công nhận là di tích lịch sử.
UBND TP.HCM đang gấp rút thực hiện quy trình cải tạo, trùng tu di tích để sớm mở cửa lại trong năm 2024.
Hiện nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM là bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm hạng 1 với 10 phòng chức năng, 17 khoa lâm sàng, công suất 550 giường nội trú, 5 khoa cận lâm sàng, 763 nhân sự.
Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 3.000 lượt khám ngoại trú, khoảng 600 bệnh nội trú (mùa dịch sốt xuất huyết) và đã xuống cấp, quá tải. TP.HCM đang khẩn trương triển khai dự án cải tạo để bệnh viện có cơ sở vật chất khang trang hơn.
Năm 2021, khi TP.HCM là tâm điểm Covid-19, nơi đây vẫn giữ vị thế là bệnh viện truyền nhiễm đầu ngành, được xem là “thành trì” chống dịch của TP. Bệnh viện cũng đạt nhiều thành tựu trong hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học và thực hành lâm sàng có trình độ ngang tầm khu vực, tiếp cận thế giới.
Chị Phan Thị Liên (32 tuổi, TP Thủ Đức) cho biết, mặc dù đi chăm bệnh mệt mỏi và nhiều lo lắng, nhưng tâm trạng chị phần nào nhẹ nhàng hơn vì Bệnh viện Bệnh nhiệt đới có khuôn viên rất rộng, thoáng mát.
“Bệnh viện nhiều cây xanh và rộng hơn hẳn nhiều viện khác ở TP. Tôi chỉ mong viện được sửa chữa sớm vì đã cũ quá, miễn sao giữ được không gian chung cho thân nhân hít thở”, chị Liên nói.
Một số hình ảnh tại bệnh viện: