Bất ngờ bị đột quỵ khi đang nằm viện điều trị xuất huyết dạ dày
Trao đổi với VietNamNet, BS Đinh Thế Tiến, khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cho biết đó là trường hợp bà N.T.T, hơn 50 tuổi, ở Hà Nội. Ngày 17/12, bà vào bệnh viện điều trị chảy máu đường tiêu hóa do loét dạ dày, được nội soi can thiệp cầm máu, dùng thuốc giảm acid dịch vị, truyền máu, tình trạng ổn định sau 3 ngày.
Tuy nhiên sáng 20/12, người nhà đột nhiên phát hiện bà T. có tình trạng méo miệng, nói khó, liệt thần kinh mặt và yếu nửa người trái, huyết áp tăng rất cao (200/120 mmHg).
Các bác sĩ nhanh chóng đánh giá và chụp phim cắt lớp sọ não bệnh nhân, chẩn đoán xuất huyết cầu não. Bà T. được chuyển đến đơn nguyên điều trị đột quỵ.
BS Đinh Thế Tiến cho biết đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng 60-70% trường hợp xảy ra vào nửa đêm và sáng sớm. Thời tiết và đột quỵ có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Vì sao trời lạnh dễ đột quỵ?
Thời tiết lạnh không tác động trực tiếp gây đột quỵ nhưng khi nhiệt độ xuống thấp sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ do tình trạng tăng huyết áp đột ngột. Tại Việt Nam, trong hơn 200.000 ca đột quỵ mới mỗi năm, 80% trường hợp có bệnh nền tăng huyết áp.
Đột quỵ có hai dạng là do thiếu máu não (chiếm 80%) và vỡ mạch máu não, đều gây tổn thương mạch máu não. Tiến sĩ Mai Đức Thảo, Khoa Thần kinh Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), cho hay về mặt dịch tễ học, tỷ lệ đột quỵ vào mùa đông cao hơn mùa hè. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ phổ biến hơn vào mùa đông và đột quỵ xuất huyết phổ biến hơn vào mùa xuân.
Bệnh nhân đột quỵ vào mùa đông cũng có tiên lượng xấu, đây là mùa ghi nhận tỷ lệ tử vong cao nhất. TS Thảo dẫn thông tin từ một nghiên cứu cho rằng nhiệt độ giảm 5 độ C có liên quan đến việc tăng 7% số người nhập viện vì đột quỵ.
Về cơ chế gây bệnh, theo BS Tiến, khi nhiệt độ giảm xuống, cơ thể con người có phản xạ tăng tiết catecholamine nhằm co các mạch máu ngoại vi để giữ nhiệt làm ấm cơ thể. Điều đó sẽ làm tăng trương lực mạch máu dẫn đến huyết áp tăng cao. Điều này khiến cho người bệnh dễ bị chảy máu trong não, đặc biệt ở các bệnh nhân có kèm theo xơ vữa động mạch.
Nhiệt độ giảm cũng làm cơ thể tăng sản xuất hồng cầu và tiểu cầu dẫn đến máu vón cục tạo thành cục máu đông. Từ đó, tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu, dễ dẫn đến nhồi máu não.
Năm dấu hiệu đột quỵ cần cảnh giác
- Dấu hiệu ở mặt: Mặt có biểu hiện thiếu cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống. Đặc biệt khi người bệnh nói hoặc cười sẽ thấy rõ dấu hiệu méo miệng và thiếu cân xứng trên mặt.
- Dấu hiệu ở tay: Cảm giác của người bị đột quỵ là tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác. Ngoài ra, người bệnh cũng cảm thấy đi lại khó khăn, không nhấc chân lên được.
- Dấu hiệu qua giọng nói: Người bị đột quỵ có thể gặp triệu chứng nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức mới nói được.
- Dấu hiệu qua nhận thức: Người bệnh có biểu hiện rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, mắt mờ, tai ù không nghe rõ.
- Dấu hiệu ở thần kinh: Người bệnh cảm thấy nhức đầu dữ dội. Đây là triệu chứng nặng và khá phổ biến, nhất là người bệnh có tiền sử bị đau nửa đầu.
Thời gian vàng trong đột quỵ não là 3-4,5 giờ kể từ khi khởi phát dấu hiệu. Nếu phát hiện người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Để phòng tránh đột quỵ vào trời lạnh, cần giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu và cổ; ngủ trong phòng kín gió. Buổi sáng trước khi rời giường nên có vài động tác vận động nhẹ làm nóng cơ thể, thích ứng với thời tiết, không nên xuống giường ngay khi vừa dậy; uống nước ấm, hạn chế ăn đồ lạnh, rượu bia, thuốc lá.