Ba phương pháp đơn giản đẩy lùi căn bệnh ám ảnh dân văn phòng
Đau cổ vai gáy là tình trạng cơ vùng vai gáy co cứng gây đau, kèm theo các hạn chế vận động khi quay cổ hoặc quay đầu. Bệnh thường xuất hiện vào buổi sáng và có liên quan chặt chẽ đến hệ thống cơ xương khớp và mạch máu vùng vai gáy.
Tình trạng đau cổ vai gáy khá phổ biến, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: thoái hóa, thoát vị đĩa đệm các đốt sống cổ, thiểu năng vành, u đỉnh phổi...
Bệnh thường xuất hiện sáng sớm lúc ngủ dậy hoặc sau khi lao động nặng hoặc bị nhiễm lạnh. Bệnh sẽ tăng khi đứng, đi, ngồi lâu hoặc ho, hắt hơi, vận động cột sống cổ, khi thời tiết thay đổi. Các triệu chứng này sẽ thuyên giảm khi nghỉ ngơi.
Bệnh đau cổ vai gáy thường có các triệu chứng mang tính cơ học, đó là:
Hiện tượng đau tăng lên khi đứng, đi lại, ngồi lâu, vận động cột sống cổ, các triệu chứng đau sẽ tăng lên khi thay đổi thời tiết.
Các triệu chứng đau sẽ lan xuống cả bả vai, làm cho cánh tay, cẳng tay và ngón tay bị tê mỏi rất khó chịu, thậm chí chỉ cần sờ vào cũng có cảm giác như tê cứng bì, đây là biểu hiện tăng cảm giác.
Khi bị đau quá mức, chúng ta chỉ cần đi lại nhẹ nhàng cũng đủ gây ảnh hưởng, gây đau vùng cổ, vai, gáy.
Bệnh đau cổ vai gáy không lây truyền từ người này sang người khác, nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, ăn uống và giấc ngủ của người bệnh.
Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh đau cổ vai gáy như:
- Những người làm công việc văn phòng, lái xe, lao động nặng thường mắc phải bệnh này.
- Những đối tượng bị tác động từ bên ngoài, các tác động bệnh lý bên trong cơ thể như những người bị thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm, lao, ung thư vùng cổ cũng là nguyên nhân trực tiếp gây ra đau mỏi vai gáy triền miên cho người bệnh.
- Những người bị bị dị tật bẩm sinh vùng cổ, gáy, do thay đổi thời tiết.
Để phòng ngừa bệnh đau cổ vai gáy có thể áp dụng một số biện pháp sau:
Có chế độ tập luyện thể dục thể thao phù hợp, lựa chọn các bài tập vừa sức, phù hợp với sức khỏe của bản thân. Bạn cũng cần có chế độ làm việc hợp lý, nên vận động và nghỉ giải lao khi ngồi lâu.
Bên cạnh đó, chúng ta cần có tư thế đúng khi ngồi đọc sách, học bài, đánh máy, cổ luôn thẳng, không cúi gập cổ quá lâu.
Ngoài ra, nên có chế độ dinh dưỡng phù hợp, cần ăn đủ chất, bổ sung một số khoáng chất thiết yếu cho cơ thể như: như canxi, kali, các vitamin nhóm B, C, E... để phòng ngừa đau cổ vai gáy.
Để chẩn đoán bệnh, chúng ta có thể kiểm tra tiền sử bệnh để loại trừ các khả năng bệnh khác và khám lâm sàng.
Có nhiều cách để điều trị đau cổ vai gáy, tùy thuộc vào mức độ của bệnh để có phương pháp điều trị thích hợp. Với đau cổ vai gáy, khi bệnh mới ở giai đoạn đầu cần tránh cố gắng xoay đầu, xoay cổ, không ngồi quạt điện hoặc điều hòa để tránh co cứng cơ và đau dữ dội hơn.
Khi đi ngủ, chúng ta chườm ấm vùng cổ, chiếu đèn hồng ngoại hoặc xoa bóp nhẹ nhàng 10-15 phút, sau 2-3 ngày bệnh sẽ tự hết.
Khi bệnh ở mức độ vừa, tức là mức độ kích thích dây thần kinh lớn hơn, các biểu hiện bị đau cổ vai gáy bên phải hoặc đau cổ vai gáy bên trái rõ ràng hơn cần phải dùng một số loại thuốc hỗ trợ như: thuốc giảm đau, chống viêm non-steroid như diclofenac, ibuprofen, paracetamol, aspirin hoặc dùng miếng dán salonpas để giảm được triệu chứng vùng này.
Ở mức độ bệnh nặng cần sử dụng các biện pháp châm cứu hoặc dùng thuốc ức chế dẫn truyền thần kinh.
Bệnh đau cổ vai gáy không phải là bệnh khó chữa, cần điều trị sớm, nếu điều trị sai hoặc muộn sẽ có nguy cơ cao phải nhập viện.
Ths Nguyễn Điện Thành Hiệp (Khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)