Ba bệnh viện ở TP.HCM khổ vì xuống cấp nhưng hơn 10 năm chưa được xây, sửa
Đây là một trong 7 thách thức của ngành y tế TP.HCM cần phải có thay đổi về chính sách, cơ chế để giải quyết tận gốc rễ. Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP cho biết, 3 bệnh viện đó là: Tâm thần, Bệnh nhiệt đới, Chấn thương Chỉnh hình.
Theo đó, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM được xây dựng dựng từ năm 1971. Bệnh viện quá tải và xuống cấp đã lâu. Nguy cơ cháy nổ gần kề do phía trước ký túc xá Cao Thắng cũng cũ kỹ, xuống cấp. Ký túc xá từng xảy ra 2 vụ cháy liên tục trong 1 tháng khiến người bệnh, bác sĩ phải sơ tán khẩn cấp.
Nhiều năm qua, người bệnh ở đây phải nằm hành lang, y bác sĩ làm việc trong không gian chật chội. Dự án xây dựng mới bệnh viện tại huyện Bình Chánh đã được UBND TP.HCM cho triển khai theo hình thức BT (xây dựng, chuyển giao) nhưng hơn 10 năm vẫn chưa thực hiện.
“Mỗi lần HĐND TP họp hỏi bệnh viện có dự án không, lúc nào cũng nói có nhưng không làm được, 13 năm rồi vẫn vướng. Chúng tôi mong được giải quyết sớm để bệnh viện dễ hoạt động hơn”, bác sĩ Châu Văn Đính, Giám đốc Bệnh viện bày tỏ trong buổi gặp Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đầu tháng 10 vừa qua.
Đây là bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối về chấn thương chỉnh hình, triển khai thành công nhiều kỹ thuật hiện đại, chỉ đạo tuyến cho nhiều tỉnh thành phía Nam. Tuy nhiên, cảnh xập xệ, xuống cấp về cơ sở vật chất khiến người bệnh và nhân viên y tế chịu rất nhiều thiệt thòi.
Trước tình hình trên, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị TP ngưng triển khai dự án theo hình thức BT, cho phép chuyển địa điểm dự án xây mới từ khu 6A, Bình Hưng, Bình Chánh về Lô 3-27, khu Tân Tạo Chợ Đệm, thị trấn Tân Túc, Bình Chánh, quy mô 500 giường, nguồn vốn ngân sách thành phố.
Đồng thời, chỉ đạo giao nhà đất số 201 Phạm Viết Chánh (cơ sở cũ của Bệnh viện Truyền máu Huyết học) tạm thời làm cơ sở 2 của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình hiện tại.
Trong khi đó, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM có 3 cơ sở. Cơ sở chính đóng tại chính ở đường Võ Văn Kiệt, quận 5 có 50 giường nội trú, diện tích rất chật hẹp. Cơ sở 2 tại huyện Bình Chánh có 250 giường nội trú. Cơ sở 3 tại quận Phú Nhuận là khoa khám bệnh trẻ em ngoại trú. Đặc biệt ở cơ sở 1, tình trạng xuống cấp, chật chội, cũ kỹ.
“Ở TP.HCM, có lẽ Bệnh viện Tâm thần xấu nhất trong các bệnh viện. Rất tội người bệnh tâm thần”, ông Tăng Chí Thượng nói. Sở Y tế TP kiến nghị cho phép triển khai dự án xây dựng mới bệnh viện có quy mô 1.000 giường với 1 trong 2 phương án.
Thứ nhất, mở rộng cơ sở 2 Bệnh viện Tâm thần tại huyện Bình Chánh, từ 250 lên 1.000 giường, bổ sung diện tích đất từ 2,2 ha lên 5 - 10 ha.
Thứ hai, triển khai dự án xây dựng mới Bệnh viện Tâm thần quy mô 1.000 giường bệnh với diện tích 5 - 10 ha tại huyện Bình Chánh. Khi đó, cơ sở chính tại quận 5 bàn giao lại cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (liền kề).
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM là tuyến cuối điều trị các bệnh truyền nhiễm. Năm 2011, UBND TP chấp thuận cho bệnh viện triển khai dự án xây dựng mới khối Khoa Khám bệnh. Tuy nhiên do vướng trong điều chỉnh quy hoạch nên đến nay vẫn chưa được xây dựng.
“Khi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM kỷ niệm 150 năm thành lập đã có quy hoạch xây mới khu khám bệnh và khu cấp cứu. Tháng 11 tới đây, Bệnh viện sẽ kỷ niệm thành lập 160 năm, nhưng giờ quy hoạch vẫn treo”, bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện trình bày với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hồi tháng 6/2022.
10 năm qua, niềm hy vọng vào một khu khám bệnh khang trang hơn vẫn ở trên giấy. Trong dịch Covid-19, đây được xem là pháo đài của TP khi tiếp nhận những ca Covid-19 nặng nhất, nguy kịch nhất trước khi các Trung tâm Hồi sức được thiết lập.
Hiện nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cũng là cơ sở duy nhất ở TP.HCM thu dung, cách ly và điều trị bệnh nhân đậu mùa khỉ.
Một phần khu khám bệnh và nhà lưu trú thân nhân của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Sở Y tế kiến nghị sớm phê duyệt Đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 khu đất Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để sớm khởi công xây dự án xây dựng mới khoa Khám bệnh của bệnh viện (đã được HĐND TP thông qua).
Ngoài ra, các bệnh viện TP.HCM đều bị kẹt trong chuyện xây dựng các dịch vụ tiện ích như nhà xe, căng tin… phục vụ bệnh nhân và thân nhân. Người bệnh chật vật tìm chỗ gửi xe khi thăm khám ở Bệnh viện Nhi đồng 2, Chấn thương chỉnh hình, Tâm thần (dùng chung nhà xe với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới),
Theo ông Thượng, trước đây các bệnh viện muốn xây dựng chỉ cần xin ý kiến Sở Y tế nhưng nay phải chờ phê duyệt của Sở Tài chính và UBND TP. “Cả TP hiện chỉ có Bệnh viện Từ Dũ được phê duyệt”, Giám đốc Sở Y tế nói.