686 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa trong 6 ngày Tết

Theo số liệu Bộ Y tế, trong 6 ngày Tết Quý Mão 2023, cả nước ghi nhận 686 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa.

Ngày 26/1, Bộ Y tế có báo cáo về tình hình công tác y tế trong dịp Tết nguyên đán (20/1 đến 26/1).

Các dịch bệnh đang được kiểm soát

Về phòng, chống dịch Covid-19, từ ngày 20/1 đến 26/1, cả nước có 66 trường hợp mắc tại 20 tỉnh, thành và không ca  tử vong.

Đến nay, cả nước có 11.526.348 ca mắc; 10.612414 người khỏi bệnh (chiếm 92% số mắc) và 43.186 ca tử vong. 

Bộ Y tế đánh giá các dịch bệnh khác cũng đang được kiểm soát, không ghi nhận ổ dịch lớn trong cộng đồng, không ghi nhận trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Cụ thể từ ngày 20 - 25/1, về đậu mùa khỉ, không ghi nhận trường hợp mắc. Đến nay cả nước có 2 ca mắc bệnh này, là các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, được quản lý kịp thời ngay khi về nước. 

Sốt xuất huyết thêm 869 trường hợp mắc mới. Như vậy, từ đầu năm đến nay, cả nước có 6.639 ca mắc; không trường hợp tử vong, không xuất hiện ổ dịch bùng phát tại cộng đồng.

Tay chân miệng ghi nhận 85 trường hợp mắc mới. Tích lũy từ đầu năm, cả nước có 782 trường hợp mắc, không trường hợp tử vong, không có ổ dịch bùng phát tại cộng đồng. 

Bệnh sởi cũng thêm 1 trường hợp mắc mới. Tích lũy từ đầu năm 2023 đến nay có 5 trường hợp sốt phát ban nghi sởi; không ghi nhận trường hợp tử vong. 

Ca nhập viện do tai nạn giao thông, pháo nổ tăng

Về công tác khám, cấp cứu 6 ngày Tết Quý Mão 2023, các bệnh viện đã thực hiện khám, cấp cứu cho trên 312.000 người bệnh; có trên 144.000 người bệnh nhập viện, điều trị nội trú; thực hiện gần 16.500 ca phẫu thuật các loại (trong đó có 3.627 ca phẫu thuật do tai nạn, cấp cứu); có 2.337 người bệnh tử vong.

Các cơ sở y tế đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón 18.020 trẻ chào đời; cho xuất viện trên 112.000 người bệnh, chuyển viện gần 14.000 người; vận chuyển gần 8.000 lượt người bệnh bằng xe cứu thương bệnh viện. 

Tổng số bệnh nhân điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh đến ngày 26/1 là 116.648 người. So với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022, số ca nhập viện liên quan đến tai nạn giao thông (TNGT) tăng 15,6%; số ca tử vong do TNGT giảm 3,6%. 

Số ca khám, cấp cứu do tai nạn pháo nổ tăng 52,7%. Số ca khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ khác tăng 25,9%. 

Số ca cấp cứu tai nạn đánh nhau cũng tăng 0,7%; số ca tai nạn do đánh nhau phải nhập viện tăng 1,9%. 

Theo Bộ Y tế, số ca khám, cấp cứu tai nạn do sinh hoạt, lao động giảm 16%, nhập viện điều trị tăng 25%.

Bộ Y tế cũng thông tin cụ thể về tai nạn giao thông. Theo đó, có 9.716 trường hợp phải nhập viện điều trị chiếm 36,8% trong tổng số khám, cấp cứu liên quan đến TNGT, tăng 1.312 ca so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022. 

Đã có 217 trường hợp tử vong do TNGT, bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về, giảm 8 ca so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022. 

Tai nạn do pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ: có 403 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, nhiều hơn 139 ca so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022 (264 ca); không có ca tử vong. Có 34 trường hợp cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế, ghi nhận 2 trường hợp tử vong. 

Tai nạn do đánh nhau, cả nước có 3.041 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau và đã có 10 trường hợp tử vong. 

Ngoài ra, nước ta ghi nhận 11.964 trường hợp khám, cấp cứu do tai nạn sinh hoạt, lao động, trong đó 19 trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, có 686 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, 2 ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu (tự tử).

Không ghi nhận thông tin phản ánh thiếu thuốc

Bộ Y tế cũng có báo cáo về tình hình cung ứng thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, tính đến ngày 26/1, chưa ghi nhận thông tin phản ánh về thiếu thuốc, tăng giá thuốc.

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Bộ Y tế triển khai luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và Nghị quyết của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19. 

Bộ cũng tiếp tục triển khai các biện pháp từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí bảo hiểm xã hội. Đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền. 

Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, tăng cường giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu để phát hiện trường hợp nghi ngờ, mắc Covid-19, nhất là các đối tượng nhập cảnh tử các khu vực đang bùng phát dịch, từ các nơi xuất hiện các biến thể mới, nguy hiểm của SARS-CoV-2.

“Đẩy mạnh giám sát tại cộng đồng, nhất là khi học sinh trở lại trường, người lao động trở lại làm việc sau Tết, tiếp tục thúc đẩy tiêm vắc xin Covid-19. Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm phòng, chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm dịp lễ hội”, Bộ Y tế nêu rõ về nhiệm vụ thời gian tới.