20 lần sốc điện cứu người đàn ông bị rối loạn nhịp tim
Bệnh nhân H.V.M (70 tuổi, Hải Dương) vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) vì khó thở, choáng váng, có các cơn trống ngực.
Trước đó, ông M. xuất hiện những cơn trống ngực, khó thở được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương điều trị. Bệnh tình không thuyên giảm, người đàn ông này được chuyển đến Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Bệnh nhân được chẩn đoán nhịp nhanh thất bền bỉ (cơn bão nhanh thất) theo dõi do viêm cơ tim cấp. Ông M. cũng được chỉ định dùng nhiều loại thuốc chống loạn nhịp, sốc điện chuyển nhịp nhiều lần.
Tuy nhiên quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn, cơn nhanh thất kéo dài liên tục trên 1 tuần và thường xuyên tái phát. Bệnh tiến triển nặng dần, bệnh nhân trơ với thuốc và sốc điện, tiến triển suy tim cấp tính, huyết áp tụt, sốc tim.
Bệnh nhân được hội chẩn Viện Tim mạch, khẩn trương phối hợp cùng Khoa Hồi sức Tim mạch, sử dụng hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO). Sau vài ngày điều trị, tình trạng lâm sàng cải thiện, nhịp tim ổn định.
Một ngày sau đó, ông M. lại xuất hiện những cơn nhanh thất dai dẳng trở lại. Bệnh nhân tiếp tục được sử dụng thuốc chống loạn nhịp, điều trị suy tim tích cực và cấp cứu sốc điện chuyển nhịp thành công.
Sau gần 3 tuần điều trị với 20 lần sốc điện, người đàn ông 70 tuổi đã hết cơn nhanh thất, tình trạng suy tim cải thiện rõ rệt và đã xuất viện.
Ths.BSCKII Lê Duy Thành, Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin, nhịp nhanh thất là một rối loạn nhịp nguy hiểm, có thể gây ra tụt huyết áp, suy tim cấp, sốc tim, thậm chí đe dọa tính mạng.
Nếu bệnh nhân có từ 3 cơn nhanh thất tái phát trong vòng 24 giờ, được gọi là cơn bão nhanh thất, là loại loạn nhịp rất nguy hiểm, hay trơ với thuốc điều trị cần phải tiến hành nhiều biện pháp tích cực bao gồm cả hỗ trợ tuần hoàn cơ học.
PGS.TS Phạm Trường Sơn - Chủ nhiệm khoa Nội Tim mạch, thông tin thêm về bệnh, cơn bão nhanh thất xuất hiện có thể do thiếu máu cơ tim, viêm cơ tim, ngoài ra có thể do một số yếu tố khác thúc đẩy, bao gồm rối loạn điện giải, nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, sử dụng một số loại thuốc... Với nguyên nhân thiếu máu cơ tim, việc điều trị tái tưới máu cấp cứu đóng vai trò quyết định để cứu sống người bệnh.
“Nếu do nguyên nhân viêm cơ tim, điều trị rất khó khăn, phải thực hiện nhanh chóng, kịp thời, phối hợp nhiều biện pháp, thậm chí an thần, thở máy và sử dụng hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể như bệnh nhân này”, PGS.TS Phạm Trường Sơn cho biết.