V-League 2023 và nỗi lo cho đội tuyển Việt Nam
Thời lượng thi đấu của các tuyển thủ Việt Nam và hiệu suất ghi bàn của nội binh tại V-League 2023 đang rơi vào tình trạng đáng lo.
Thua Bồ Đào Nha, đội tuyển Việt Nam bị loại
Dư luận quốc tế đánh giá cao đội tuyển Việt Nam
Huấn luyện viên Mai Đức Chung khẳng định đội tuyển Việt Nam ''không có gì để sợ''
Trong sáu tiền đạo được triệu tập lên tuyển Việt Nam đợt gần nhất, hiệu suất ghi bàn của họ trung bình là 0,31 bàn mỗi trận ở cấp độ CLB trong mùa giải 2022. Mùa này, hiệu suất họ giảm xuống hơn một nửa, chỉ còn 0,14 bàn mỗi trận.
Phạm Tuấn Hải (giữa) ghi bàn giúp Hà Nội FC thắng 1-0 Nam Định ở vòng 11 V-League tối 4.6.2023
Việt Nam vừa trải qua loạt trận giao hữu thành công trong tháng 6.2023, với hai trận thắng 1-0 trước Hong Kong và Syria, để trở lại Top 15 châu Á. Mục tiêu quan trọng nhất của đội trong năm nay là những trận đầu vòng loại thứ hai World Cup 2026 khu vực châu Á, bắt đầu tháng 11. Trước ngày trả cầu thủ về CLB, HLV Philippe Troussier nói: "Hy vọng các tuyển thủ được chơi thường xuyên ở V-League".
Nỗi mong mỏi của HLV Troussier không có gì mới, bởi các HLV ngoại ở đội tuyển Việt Nam vẫn thường kêu gọi những đội bóng V-League trao cơ hội cho cầu thủ nội. Tuy nhiên mùa này, thời gian thi đấu lẫn hiệu suất của nội binh tại V-League giảm đáng kể.
Sáu tiền đạo Việt Nam được triệu tập ở trận gần nhất gặp Syria là Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Công Phượng, Phạm Tuấn Hải, Nhâm Mạnh Dũng và Đinh Thanh Bình. Họ chơi trung bình 70% số trận có thể ở cấp CLB mùa trước, nhưng thông số đó giảm còn 57% mùa này. Tỷ lệ thi đấu của Thanh Bình hay Tuấn Hải tăng lên, nhưng Công Phượng và Văn Toàn lại suy giảm thời lượng ra sân.
Hiệu quả thi đấu của nhóm tiền đạo cũng sụt giảm nghiêm trọng. Mùa trước, họ ghi tổng cộng 31 bàn trong 101 trận, tỷ lệ 0,31 bàn mỗi trận. Còn mùa này họ mới ghi 7 bàn trong 51 trận. Ngoại trừ Tuấn Hải, các tiền đạo còn lại đều không ghi quá một bàn. Hiệu suất ghi bàn của Nguyễn Tiến Linh mùa trước là 0,45 bàn mỗi trận, mùa này giảm hơn năm lần còn 0,08 bàn mỗi trận, khiến anh mất vị trí trên tuyển.
Không chỉ các tuyển thủ, hiệu suất ghi bàn của toàn bộ cầu thủ nội đều giảm đáng kể tại V-League 2023. Kể từ mùa 2019, giải tăng lượng ngoại binh tối đa từ hai lên ba người, bên cạnh cầu thủ nhập tịch. Tỷ lệ ghi bàn của cầu thủ nội kể từ đó vẫn thường trên 50%. Ở mùa 2020, tỷ lệ này giảm xuống còn 46,5%, nhưng riêng giai đoạn một mùa đó, thông số vẫn được duy trì mức 49,1%.
Tuy nhiên qua giai đoạn một V-League mùa này, cầu thủ nội mới ghi 92 bàn trong 224 bàn tại giải, chiếm tỷ lệ 41,1%. Thống kê này tính những cầu thủ có gốc gác Việt Nam như Adriano Schmidt hay Mạc Hồng Quân, và bỏ qua cầu thủ nhập tịch như Hoàng Vũ Samson hay Trần Trung Hiếu Kizito.
Thông số này cho thấy các đội V-League ngày càng phụ thuộc vào ngoại binh trong khâu ghi bàn. Có đội thậm chí có tỷ lệ ghi bàn 100% thuộc về cầu thủ ngoại như TP Hồ Chí Minh. Còn tỷ lệ ghi bàn của các cầu thủ U23 cũng giảm xuống, từ mức 7,1% mùa trước, xuống còn 5,8% mùa này.
Hiệu quả của cầu thủ nội tại V-League đáng lo ngại, nếu so với các giải trong khu vực. Giải vô địch Indonesia có giới hạn ngoại binh giống V-League, nhưng mùa trước tỷ lệ cầu thủ nội của họ ghi bàn đạt 45,2%. Tỷ lệ ghi bàn của nội binh tại Thai League chỉ là 36,5%, tuy nhiên họ cho phép dùng năm cầu thủ ngoại, một ngoại binh châu Á và không giới hạn cầu thủ Đông Nam Á.
Nếu tình trạng trên ở V-League chỉ mang tính nhất thời, HLV Troussier có thể không đau đầu thêm. Nhưng nếu để nó kéo dài, chất lượng và phong độ của các tuyển thủ có thể ảnh hưởng, khi Việt Nam hướng tới tham vọng dự World Cup 2026.
Theo VnExpress