Vì sao Hải Dương chưa phát triển bóng đá nữ?
Cần nguồn tài chính rất lớn, trong khi các đội tuyển thể thao thành tích cao khác vẫn gặp nhiều khó khăn là lý do Hải Dương quyết định bỏ môn bóng đá nữ.
Việt Nam có 3 cầu thủ góp mặt trong nhóm xuất sắc nhất giải đấu World Cup nữ 2023
Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha bị chỉ trích vì ôm hôn nữ cầu thủ vô địch World Cup
Ngậm ngùi tiễn biệt cầu thủ tài hoa Paollo về quê nhà
Bỏ bóng đá nữ để thành lập bóng đá futsal nam do Hải Dương có sẵn nguồn cầu thủ từ đội U13 của tỉnh. Trong ảnh: Các cầu thủ U13 Hải Dương tại Giải bóng đá thiếu niên toàn quốc 2023
Hải Dương từng có đề án thành lập đội tuyển bóng đá nữ, với mục tiêu sẽ có đội tuyển tham gia các giải đấu. Cần nguồn kinh phí "khủng" Hải Dương có nguồn cầu thủ nữ nên đã có quyết định thành lập đội tuyển bóng đá nữ. Hiện nay, có 1 cầu thủ trẻ đang tập luyện tại Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ PVF, 3 cầu thủ trẻ khác tập tại Câu lạc bộ Phong Phú Hà Nam. Theo chỉ tiêu đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao giai đoạn 2023-2025 tại Quyết định số 1938/QĐ- UBND ngày 13.7.2020 của UBND tỉnh, giai đoạn này, đội tuyển bóng đá nữ sẽ có 23 cầu thủ. Tuy nhiên, để có đội bóng đá nữ dự giải quốc gia, cái khó là phải có cả một hệ thống. Đầu tiên là ngoài đội dự giải chuyên nghiệp, cần phải có đầy đủ các tuyến đào tạo trẻ theo đúng quy định. Nghĩa là cần có nhiều đội bóng đá nữ từ cấp độ trẻ cho đến chuyên nghiệp, số lượng có thể lên tới khoảng 60 cầu thủ. Để vận hành đội ngũ cầu thủ này sẽ kéo theo các ê kíp ban huấn luyện, y tế, hậu cần; trang phục thi đấu, trang thiết bị luyện tập; phương tiện đi lại; kinh phí tập huấn, đi thi đấu; nơi ăn ở, tập luyện... với nguồn kinh phí rất lớn. Theo từng giai đoạn, tỉnh sẽ phải chi khoảng 50 tỷ đồng cho mỗi mùa giải nếu nuôi các đội bóng đá nữ. Nhìn sang tỉnh bạn, nhiều năm nay, tỉnh Hà Nam duy trì đội tuyển bóng đá nữ dự giải vô địch quốc gia. Đội hiện có tên Câu lạc bộ Phong Phú Hà Nam, có đầy đủ các cấp độ đội tuyển, với tổng số khoảng 60 cầu thủ, chưa kể rất đông các thành viên thuộc các bộ phận khác đi theo. Mỗi năm, tỉnh Hà Nam phải chi khoảng 60 tỷ đồng cho các cấp độ đội tuyển, bao gồm cả phần kinh phí của Tổng Công ty CP Phong Phú (mỗi năm khoảng 2 tỷ đồng). Như vậy, để có một đội bóng đá nữ dự giải vô địch quốc gia không khó, song để duy trì và mang lại thành tích thì cần rất nhiều yếu tố, mà quan trọng nhất là nguồn kinh phí.Hải Dương luôn sẵn nguồn để thành lập đội tuyển bóng đá nữ. Trong ảnh: Nguyễn Kiều Trang (ngoài cùng bên phải, hàng dưới), người xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) đang là thành viên đội tuyển U15 quốc gia Ảnh: VFF
Dành nguồn lực cho các môn thể thao khác Trong khi kinh phí dành cho phát triển sự nghiệp thể dục thể thao của Hải Dương hiện nay còn eo hẹp, thì bỏ môn bóng đá nữ để dành tiền phát triển các môn thể thao khác hiệu quả hơn được cho là một sự thay đổi phù hợp. Nếu sử dụng nguồn kinh phí dự kiến dành cho bóng đá nữ sẽ có thể đầu tư được cho rất nhiều môn thể thao khác nhưng mang lại hiệu quả cao hơn. Tại quyết định điều chỉnh chỉ tiêu đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao của Đề án “Phát triển sự nghiệp thể dục thể thao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”, sau khi bỏ môn bóng đá nữ, thể thao Hải Dương sẽ bổ sung 2 môn vovinam và bóng đá futsal nam. Riêng đội tuyển bóng đá futsal nam được lý giải sẽ tận dụng nguồn cầu thủ từ đội tuyển U13 của tỉnh vốn rất phong phú và chất lượng. Trong khi vovinam đã phát triển tại Hải Dương khá lâu nhưng chưa có đội tuyển chuyên nghiệp và võ là một trong các môn thế mạnh của tỉnh. Như vậy, Hải Dương đến nay có 28 môn thể thao, với trên 500 vận động viên. Số lượng vận động viên này được Hải Dương duy trì cơ bản ổn định qua các năm. Hằng năm, các vận động viên thi đấu trong các đội tuyển của tỉnh hoặc quốc gia đều mang về thành tích cao. Đặc biệt, qua 9 kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc - sự kiện thể thao lớn nhất quốc gia 4 năm mới tổ chức 1 lần, đoàn thể thao Hải Dương 8 lần đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành, ngành có thành tích tốt nhất. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, lần đầu tiên sau 38 năm đoàn thể thao thành tích cao Hải Dương đứng thứ 11, chỉ kém đoàn đứng trên đúng 1 huy chương vàng. Bỏ bóng đá nữ để đầu tư cho các môn thể thao thế mạnh khác của Hải Dương là một tính toán hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Theo một số huấn luyện viên ở Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hải Dương, vận động viên nhiều đội tuyển hiện nay đang phải phải tập huấn, thi đấu trong điều kiện thiếu thốn nhiều mặt. Khi có điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí, việc có quyết định thành lập đội bóng đá nữ cũng chưa muộn. TIẾN HUY