Lầm tưởng về ngành công nghiệp tình dục tại World Cup
Việt Nam có 3 cầu thủ góp mặt trong nhóm xuất sắc nhất giải đấu World Cup nữ 2023
Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha bị chỉ trích vì ôm hôn nữ cầu thủ vô địch World Cup
Đánh bại tuyển Anh, Tây Ban Nha đăng quang World Cup nữ 2023
Khác với các kỳ World Cup trước đây, buôn bán người, bóc lột tình dục trẻ em và mại dâm có thể sẽ không còn được quan tâm đặc biệt.
Mối liên hệ giữa buôn bán tình dục và các sự kiện thể thao lớn trở thành tâm điểm kể từ giải vô địch bóng đá thế giới 2006 tại Đức. Các chiến dịch truyền thông lớn và tốn kém đã cảnh báo về vấn nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gia tăng trong ngành công nghiệp tình dục.
Tuy nhiên, hiện tại nhiều nghiên cứu chứng minh mối liên hệ giữa sự gia tăng hoạt động mua bán tình dục và những sự kiện thể thao lớn hoàn toàn không có cơ sở.
Sự thổi phồng và lầm tưởng về ngành công nghiệp tình dục là phản tác dụng, lãng phí nguồn lực quý giá vào những chiến dịch truyền thông giật gân, dự án xã hội thiếu thực tế.
Sau kỳ World Cup 2006, Fredric Larsson, người phát ngôn của tổ chức di trú quốc tế (IMO), nói với AFP: "Cho đến nay, chúng tôi chưa thấy bất kỳ sự gia tăng đáng kể nào về buôn bán người từ các nước Đông Âu đến Đức trong thời gian diễn ra World Cup".
Cảnh sát Đức cũng xác nhận rằng mại dâm, vốn được hợp pháp hóa ở Đức từ năm 2002, đã không tăng đáng kể trong suốt giải đấu bóng đá kéo dài một tháng.
Người phát ngôn của TP Cologne, Jurgen Mullenberg cho biết: "Trước khi World Cup diễn ra, đã có tin đồn về một lượng lớn gái mại dâm đến Đức. Nhưng cả mại dâm hợp pháp và bất hợp pháp đều không gia tăng".
Stephanie Klee thuộc Hiệp hội Dịch vụ Tình dục Đức, một nhóm vận động cho quyền của người bán dâm, cho biết World Cup là sự kiện lớn nhưng người hâm mộ không có tiền và thời gian cho việc mua dâm. Cô nói thêm rằng một số gái mại dâm quyết định đi nghỉ trong thời gian diễn ra giải bóng đá vì vắng khách.
Trước thềm World Cup 2014 ở Brazil, một trong những mối quan tâm lớn nhất của người hâm mộ bóng đá quốc tế là làm thế nào để khoảng nửa triệu du khách nước ngoài tiếp cận với ngành công nghiệp du lịch tình dục lớn nhất hành tinh.
Tuy nhiên, một báo cáo của UFRJ, cơ quan giám sát các địa điểm bán dâm, cho thấy World Cup không phải là cơ hội làm ăn tốt cho phần lớn người bán dâm tại Brazil.
Các khu phố đèn đỏ tại Brazil vắng vẻ trong kỳ World Cup 2014. Ảnh: Laura Murray |
Sau hơn 2.000 giờ tìm hiểu sự ảnh hưởng của World Cup đối với ngành công nghiệp tình dục ở Rio de Janeiro, các nhà nghiên cứu ước tính có sự sụt giảm tổng thể 15% về số lượng phụ nữ bán dâm trong tháng diễn ra World Cup. Những người hành nghề mại dâm ở các khu phố đèn đỏ lớn đã báo cáo việc kinh doanh sụt giảm 30-50%.
Phát hiện này mâu thuẫn với dự đoán trên các phương tiện truyền thông quốc tế rằng World Cup sẽ khiến du lịch tình dục cũng như vấn nạn bóc lột tình dục trẻ vị thành niên bùng nổ.
Các nhà nghiên cứu cho rằng sự sa sút trong kinh doanh không phải do chiến dịch trấn áp của cảnh sát địa phương đối với ngành công nghiệp tình dục hay kế hoạch ngăn cản người nước ngoài mua dâm của các tổ chức phi chính phủ.
Những nhà thổ lớn đều nằm ở khu vực trung tâm thành phố, trong khi hoạt động chính của World Cup được tổ chức ở các khu ven biển. Ngành công nghiệp tình dục mất đi lượng khách chính là dân địa phương và du khách nước ngoài cũng không thể bù đắp.
Một số người nước ngoài cho biết họ không biết cũng như ngại đến các khu phố đèn đỏ ở trung tâm thành phố. Những người khác phàn nàn về giá mua dâm quá đắt, cao hơn nhiều so với kỳ vọng.
Đối với người hành nghề mại dâm ở Nga, World Cup 2018 cũng không khiến công việc kinh doanh khá lên như những gì truyền thông mô tả.
Irina Maslova, người đứng đầu nhóm hành nghề mại dâm ở 40 thành phố của Nga, nói với AFP rằng các cuộc trấn áp của cảnh sát khiến phần lớn công nhân buôn bán tình dục không thể hoạt động trong suốt giải đấu.
"Hầu hết nhà thổ đều đóng cửa vì cảnh báo từ cảnh sát. Những nơi còn lại sẽ tự chịu rủi ro".
Ngành công nghiệp tình dục tại Nga bị trấn áp trước kỳ World Cup 2018. Ảnh: Alexey Filippov |
Trong báo cáo What’s the cost of a rumour?, Liên minh toàn cầu chống buôn bán phụ nữ (GAATW) có trụ sở tại Bangkok (Thái Lan) chỉ ra những sai lầm phổ biến trong các chiến dịch chống buôn người.
Tổ chức này chỉ trích việc gia tăng các báo cáo chống buôn người thiếu căn cứ xung quanh các sự kiện thể thao là phản tác dụng và thậm chí có hại.
Không những không có mối liên hệ nào được chứng minh giữa các sự kiện thể thao và sự gia tăng nạn buôn người, mà hơn thế nữa: “Buôn người không giống với mại dâm”.
Báo cáo nhấn mạnh: “Có sự khác biệt giữa phụ nữ bị buôn bán để làm gái mại dâm và những người hành nghề mại dâm di cư sang các nước khác để làm việc”.
Các chiến dịch chủ yếu chỉ đàn áp người hành nghề mại dâm thay vì bắt giữ những kẻ buôn người. Ảnh: Lorenzo Moscia |
Những tin đồn thất thiệt về buôn bán tình dục phải trả giá đắt. Không chỉ các nguồn lực quý giá bị lãng phí trong các chiến dịch giật gân thay vì các dự án xã hội thực tế, mà các biện pháp chống mại dâm và chống di cư, bao gồm cả việc tăng cường kiểm soát những người hành nghề mại dâm, cũng được khuyến khích.
Một số chiến dịch được phát động chỉ dẫn đến việc bắt giữ những người hành nghề mại dâm, chứ không phải những kẻ buôn người thực sự.
Còn ví dụ về lãng phí có thể được chỉ ra thông qua chiến dịch phòng chống HIV thiếu hiệu quả tại kỳ World Cup 2010 ở Nam Phi.
Nghiên cứu của Lực lượng vận động và giáo dục người lao động tình dục Nam Phi (SWEAT) và các đối tác như Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cho thấy World Cup không thúc đẩy sự gia tăng hoạt động mại dâm nhưng hàng nghìn USD đã bị lãng phí trong chiến dịch phát bao cao su vô nghĩa.
Để đối phó với sự điên cuồng của giới truyền thông và nỗi sợ hãi của công chúng, một số cơ quan y tế trong nước và quốc tế đã đầu tư kinh phí đáng kể vào việc phân phát bao cao su miễn phí cho nam giới, các chiến dịch thông tin tổng quát về HIV/AIDS cho người dân Nam Phi và du khách.
"Tuy nhiên, không có khoản đầu tư nào trong số này dựa trên nghiên cứu hoặc điều tra nghiêm ngặt. Số tiền này đáng ra phải được phân bổ tốt hơn để bảo vệ những người hành nghề mại dâm khỏi những hành vi vi phạm nhân quyền ngày càng gia tăng trong thời gian diễn ra World Cup, chẳng hạn như quấy rối, bạo lực và hối lộ tình dục cho các nhân viên thực thi pháp luật", trưởng nhóm nghiên cứu Marlise Richter nói PlusNews.
Việc đổ lỗi các sự kiện thể thao lớn làm gia tăng tình trạng bóc lột tình dục trẻ em cũng là một lầm tưởng tai hại khác.
Bóc lột tình dục trẻ em ít liên quan đến các sự kiện như World Cup mà thường bắt nguồn từ căng thẳng, nghèo đói và bạo lực gia đình. Đó là những vấn đề đã có trước các sự kiện thể thao và sẽ tiếp tục tồn tại sau đó.
"Điều đó có nghĩa là chúng ta nên có một cái nhìn bao quát hơn về các vấn đề xã hội và đưa ra những giải pháp lâu dài, bền vững, vượt ra ngoài sự thổi phồng ngắn hạn của các phương tiện truyền thông", Sonja Dolinsek, nhà hoạt động nhân quyền đặc biệt tập trung vào quyền của người di cư, người bán dâm, nhận định trên Al Jazeera.
Theo Zing