Những 'ông lớn' TV dần vắng bóng ở Việt Nam 

TV của Panasonic, Toshiba và Sharp đang dần biến mất trên các kệ hàng ở Việt Nam, trong khi những thương hiệu này từng một thời có những model đình đám.

Anh Đức Minh (Thanh Xuân, Hà Nội) muốn mua một chiếc TV thương hiệu Nhật Bản cho người thân nhưng ngoài Sony, anh khó có sự lựa chọn nào khác. "Tôi tìm được một siêu thị bán TV Toshiba nhưng lại là model cũ, viền dày và không chạy Android giao diện cho TV". Anh cho biết, người lớn tuổi vẫn chuộng TV Nhật, trong khi anh và bạn bè đã chuyển dần qua các thương hiệu tới từ Hàn Quốc, Thái Lan, thậm chí là Trung Quốc với ưu điểm giá rẻ, nhiều mẫu mã.

Trên trang web của các hệ thống điện máy lớn, người dùng không còn thấy sự xuất hiện của ba thương hiệu TV nổi tiếng đến từ Nhật Bản: Panasonic, Toshiba và Sharp. Những cái tên quen thuộc chỉ còn Samsung, Sony, LG, bên cạnh các hãng tới từ Trung Quốc, Thái Lan, như TCL, Mobell, Falcon, Casper...

Tại một số cửa hàng hay siêu thị điện máy nhỏ, TV Toshiba hay Panasonic vẫn còn xuất hiện, nhưng chủ yếu là hàng trưng bày. Trong khi đó, các dòng TV của Sharp chủ yếu thuộc phân khúc giá rẻ, không có model mới và khá cũ về công nghệ, tính năng so với các đối thủ.

 

Toshiba đã dừng bán TV ở Việt Nam. Ảnh: Channelnews.

Theo đại diện Toshiba Việt Nam, hãng đã dừng hoàn toàn việc bán TV ở thị trường trong nước. Các sản phẩm còn xuất hiện trên kệ là hàng trưng bày và tồn kho. Sau hàng chục năm được sản xuất tại Việt Nam, Toshiba phải đóng cửa các dây chuyền sản xuất và chuyển sang nhập khẩu TV từ Indonesia. Tuy nhiên, việc bán hàng vẫn tiếp tục khó khăn khiến hãng buộc phải khai tử mảng kinh doanh này và tập trung vào các mặt hàng đồ điện tử gia dụng nhỏ lẻ khác.

Mảng TV của Toshiba đi xuống từ nhiều năm trước khi hãng phải bán một phần công ty cho tập đoàn Đài Loan - Compal Electronics, đồng thời chuyển giao toàn bộ mảng kinh doanh ở Bắc Mỹ vào năm 2015. Tại nhiều thị trường, Toshiba cũng đang cố gắng thương thảo để bán lại thương hiệu TV của mình.

Panasonic cũng gặp tình cảnh tương tự Toshiba. Hãng này vừa ra thông báo ngừng sản xuất TV giá rẻ tại nhà máy ở Việt Nam để cắt giảm thua lỗ. Hãng TV từng nắm 10% thị phần toàn cầu đã phải rút khỏi mảng TV Plasma, ngừng hoạt động sản xuất tại Mỹ và Trung Quốc. Hiện công ty chỉ còn chiếm hơn 1% thị phần TV toàn cầu, thua lỗ ở nhiều thị trường và chỉ có lãi nhờ thị trường nội địa Nhật Bản tăng trưởng.

Trước đó, các dòng TV trung và cao cấp của Panasonic bán tại Việt Nam chủ yếu nhập từ Malaysia và Thái Lan. Tuy nhiên, số lượng nhập khẩu giảm mạnh trong 3 năm gần đây. Tuy chưa có thông báo chính thức, theo đại diện một siêu thị điện máy, TV Panasonic coi như đã dừng bán ở thị trường trong nước.

Với Sharp, đa phần các mẫu TV bán tại Việt Nam của hãng được nhập khẩu từ Thái Lan và Malaysia. Tuy nhiên, số lượng và mẫu mã đều rất khiêm tốn. Đại diện một siêu thị điện máy cho biết TV Sharp gần như chỉ xuất hiện "cho có" bởi không có chính sách bán hàng hỗ trợ người dùng. Sharp hiện tại vẫn bán TV chỉ với mục đích giữ thương hiệu của mình ở đủ các ngành.

 

Panasonic nối gót Toshiba đóng cửa nhà máy ở Việt Nam. Ảnh: Panasonic

Đào Tuấn, quản lý một cửa hàng điện máy trên phố Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết, tình hình kinh doanh của đa số hãng TV Nhật Bản đã đi xuống nhiều năm. "Ngoài Sony, việc các hãng Nhật Bản còn lại bỏ dần thị trường không có gì là bất ngờ. Các hãng này chậm cập nhật công nghệ mới, ít model để khách lựa chọn và giá thường cao hơn khoảng 30% so với các thương hiệu Hàn Quốc, Trung Quốc với cùng kích thước, tính năng", anh lý giải.

Theo số liệu của một công ty nghiên cứu thị trường, riêng ba "ông lớn" -Samsung, Sony, LG - đang chiếm gần 90% thị phần TV tại Việt Nam. Trong đó, Samsung dẫn đầu với trên 40%, Sony gần 30%, còn lại là LG.

Phân khúc TV tăng trưởng mạnh nhất hai năm gần đây là dòng có màn hình trên 55 inch với doanh số đạt khoảng một triệu chiếc năm ngoái. Độ phân giải 4K, tính năng thông minh (Smart TV) - những đặc điểm vốn chỉ có trên các TV cao cấp trước đây, nay đã xuất hiện ở cả dòng TV tầm giá 10 triệu đồng.

Nguồn VNE